“Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có định hướng trở thành DN quốc doanh với mong muốn có những đóng góp thực sự cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, nếu sau này các DN FDI có không ở lại Việt Nam nữa thì họ cũng để lại những thứ mà chúng ta cần. Do đó, chúng ta đừng nên phân biệt hàng hóa giữa hai khu vực DN trong nước và FDI sản xuất là hàng nội, hàng ngoại” - GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp FDI chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Mại.
PV: Lâu nay, nhiều sản phẩm, hàng hóa của các DN trong nước vẫn đang gặp khó đầu ra. Vậy theo ông, tháo gỡ những khó đó bằng cách nào?
GS. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kết nối là vấn đề quan trọng, vì kết nối không chỉ là lợi ích của một phía, của từng DN mà là kết nối của cả chuỗi giá trị. Nếu chúng ta không có kết nối thì chúng ta không thể tạo nên những chuỗi giá trị có năng suất cao, giá trị gia tăng cao, năng lực cạnh tranh cao.
Chúng ta có thị trường 90 triệu dân, với 15-20 % là tầng lớp trung lưu, thu nhập 10.000 USD/ người/năm, tức là chúng ta có một thị trường trong nước rất lớn và hấp dẫn. Do đó, các DN cần phải quan tâm cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường trong nước. Và tất nhiên, yếu tố “kết nối” từ sản xuất đến siêu thị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tiêu thụ hàng hóa của DN nội địa trong thời gian tới.
Còn đối với các DN FDI hiện nay, vai trò của họ đối với vấn đề này ra sao, thưa ông?
Samsung là một trong những DN nước ngoài có định hướng trở thành DN quốc doanh với mong muốn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, cho nên nếu sau này Samsung hay những DN FDI khác không ở lại Việt Nam thì cũng để lại những thứ mà Việt Nam cần.
Tôi cho rằng, đây là một xu hướng rất tiến bộ. Hiện, nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam sản xuất và coi hàng của họ chính là hàng Việt Nam có ba lý do. Thứ nhất, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, do người lao động Việt Nam sản xuất. Tôi lấy ví dụ, mặc dù mẫu mã giày dép là của Adidas, Nike nhưng lực lượng lao động là người Việt Nam.
Thứ hai là các DN FDI tuân theo luật pháp của Việt Nam, điều kiện thực tế của Việt Nam. Thứ ba, sản phẩm đó đóng góp vào GDP của Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam thì không có lý do gì mà lại coi hàng đó là hàng ngoại cả. Vì vậy, sự chuyển biến từ việc coi các sản phẩm “thuần Việt” mới là hàng Việt, tiến đến tất cả các sản phẩm của các DN DFI sản xuất tại Việt Nam cũng là hàng Việt là một xu hướng tất yếu mà dư luận xã hội cần phải quan tâm và thay đổi.
2015 là năm Việt Nam ra biển khơi hoàn toàn, tiến rất xa, nên phải có nhãn quan ở tầm thế giới, không phân biệt DN trong nước và DN nước ngoài, mà quan trọng là làm thế nào để kết nối hai khu vực DN này với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế Việt Nam đối với nền kinh tế quốc tế, đó là điều cần phải làm hiện nay.
Như vậy, khái niệm hàng Việt Nam giờ không chỉ đơn thuần là các sản phẩm do DN trong nước sản xuất mà còn lan sang cả các sản phẩm do DN FDI sản xuất, vậy điều đó có ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sức cạnh tranh của các DN trong nước không, thưa ông?
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại điều đó. Tôi mới nghe báo chí đưa tin rằng, giày da xuất khẩu sang Mỹ tăng 30%, nhưng trên 40% giá trị xuất khẩu là của Nike và Adidas, có nghĩa, các DN trong nước không được lợi nhiều từ xuất khẩu, TPP không mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam. Tôi cho cách đưa tin như vậy là không hợp lý.
Chúng ta quá rõ, thương hiệu của Nike hay Adidas không một hãng nào có thể thay thế được. Điều quan trọng Việt Nam đã kéo được thương hiệu đó vào trong nước và làm công nghiệp phụ trợ cho họ. Như vậy, là chúng ta đã kéo được giá trị gia tăng nhiều hơn. Còn không thể, chỉ trong một thời gian ngắn mà Việt Nam có thể sản sinh ra được những DN có thể cạnh tranh được với các thương hiệu đó trên toàn cầu.
Hay như đối với Samsung, họ đã tạo công ăn việc làm cho130 ngàn lao động Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu từ DN FDI này đạt 30 tỷ USD/ năm. Cái mà chúng ta đáng tự hào là các sản phẩm chất lượng ấy là do người Việt Nam tạo ra.
Cho nên, làm thế nào để tất cả mọi người Việt Nam hiểu rằng, hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng cao, mà ở đó có sự tham gia của các DN FDI, không nên phân biệt giữa sản phẩm của DN trong nước hay DN FDI.
Trân trọng cảm ơn ông!