Đừng coi thường khi bị ong đốt

Đức Trân 25/10/2022 08:03

Khi bị ong đốt nhiều người chủ quan, cho rằng không ảnh hưởng hay nguy hiểm đến sức khỏe, chỉ quan tâm bị ong đốt bôi gì cho nhanh khỏi, hết sưng. Tuy nhiên, nếu như bị đốt nhiều hoặc đốt ở vị trí đầu, mặt, cổ,… hoặc nếu cơ địa bị dị ứng, đề kháng kém có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ kiểm tra các vết ong đốt trên cánh tay bệnh nhân. Ảnh: TL.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, vừa tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Quân y 5 với chẩn đoán phản vệ độ III do ong đốt ngày 2. Bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt tay và đầu, sau 5 phút bệnh nhân thấy chóng mặt, nổi ban đỏ khắp người, khó thở, không đau bụng, vào Bệnh viện Quân y 5 nhưng đỡ ít nên được chuyển Bệnh viện 108. Hiện tại, bệnh nhân đang được các bác sĩ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định.

Tình trạng người dân nhập viện do ong đốt không phải là hiếm trong những tháng gần đây. Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi L.Y.T. (3 tuổi, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng nguy kịch do ong đốt. Trước khi vào viện một ngày, bé T. bị ong vò vẽ đốt vùng đầu, tay, chân khoảng 50 nốt. Sau khi bị ong đốt, trẻ tím tái, khó thở. Gia đình đưa bé đến bệnh viện tuyến huyện điều trị nhưng không đỡ nên chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, môi tái, chân tay lạnh, lơ mơ, đái máu, được chẩn đoán ong đốt biến chứng suy đa tạng.

Một trường hợp khác, bệnh nhân P.X.M. (28 tuổi, Quảng Ninh) nhập Trung tâm Y tế Tiên Yên (Quảng Ninh) trong tình trạng khó thở, tức ngực, vã mồ hôi, môi chi tím tái, sốc phản vệ nặng do ong vò vẽ đốt. Người nhà kể lại, khi đi làm vườn, chị không may bị ong vò vẽ đốt khắp người.

Đáng nói, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Trung tâm Y tế Tiên Yên đều cho biết, thời gian vừa qua, cơ sở y tế liên tiếp tiếp nhận ca bệnh cấp cứu vì ong đốt, nhiều ca trong đó là trẻ em ở tuổi đi học. Đơn cử tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chỉ trong 2 tuần, đơn vị này tiếp nhận và cấp cứu 7 trẻ nhỏ bị ong đốt, trong đó, có những bệnh nhi nguy kịch, sốc phản vệ biến chứng suy đa tạng.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh - Khoa Lây bệnh đường tiêu hóa, Bệnh viện 108 nhấn mạnh, nọc của ong vò vẽ rất độc, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng… Nếu không xử trí kịp thời rất dễ tử vong.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, tai nạn do ong đốt thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng miền núi, trung du. Tùy theo loài ong, nọc sẽ độc ít hay nhiều. Một số loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loài gây chết người chỉ với vài vết đốt như ong vò vẽ, ong bắp cày đất, ong bầu. Nguy hiểm nhất là trẻ có cơ địa dị ứng, có thể quá mẫn với nọc ong gây sốc phản vệ, suy đa tạng. Độc tính của nọc ong gây độc thần kinh, tiêu cơ vân, hoại tử tế bào, gây các phản ứng viêm và dị ứng mạnh gây sốc phản vệ, suy tạng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, những trường hợp bị ong đốt 1-2 nốt có thể bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm. Trường hợp bị ong đốt từ 5-10 đốt trở lên và kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều… cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong, tổ ong và dấu hiệu triệu chứng đau khi bị đốt.

Phòng tránh ong đốt bằng cách:

Không chọc phá tổ ong; Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà.

Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động; Đối với những trường hợp nuôi ong lấy mật, thường xuyên phải tiếp xúc với ong cần mặc áo quần phòng hộ, không để lộ da để hạn chế tối đa nguy cơ bị ong đốt.

Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng coi thường khi bị ong đốt