Nhiều năm trở lại đây, tình trạng trẻ em tới thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt về tật khúc xạ gia tăng đột biến mỗi khi bắt đầu kỳ nghỉ hè rất phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng này còn gia tăng mạnh hơn nữa trong những tháng gần đây của năm 2022 do tác động của Covid-19.
Tật khúc xạ là hiện tượng mất tương hợp giữa chiều dài trục nhãn cầu và tiêu cự hội tụ ảnh. Ở thanh thiếu niên, có 3 tật khúc xạ thường gặp nhất là cận thị, viễn thị và loạn thị. Trong đó, đối với trẻ em thì cận thị và loạn thị là bệnh hay gặp nhất.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 50% dân số châu Á mắc tật khúc xạ và WHO dự báo, tới năm 2050, trên toàn thế giới cứ 2 người thì có 1 người cận thị. Tính riêng tại Việt Nam, một số kết quả điều tra đã chỉ ra rằng, trung bình tỷ lệ người mắc tật khúc xạ chiếm khoảng từ 30%-40% dân số, tương đương với gần 30-40 triệu người. Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỉ lệ bị tật khúc xạ là 25- 40% đối với thành thị và 10-15% ở nông thôn.
Đáng lo hơn, trong những tháng vừa qua, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa mắt đều ghi nhận sự gia tăng của trẻ em tới thăm khám về tật khúc xạ. Tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng ghi nhận số trẻ đến khám các bệnh về mắt gia tăng đột biến, trong đó, hơn một nửa là có liên quan tới tật khúc xạ. Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh - Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Hàng ngày khoa Mắt khám khoảng 80-100 bệnh nhi mắc tật khúc xạ. Đáng nói, hầu hết các bệnh nhi này đều cần đeo kính ngay vì thị lực đã giảm”.
Chị Đặng Thị Tâm (33 tuổi, Ba Đình) cho con đi khám tại Bệnh viện Mắt trung ương chia sẻ: “Thời gian gần đây con tôi có dấu hiệu nháy, giật mắt liên tục, hay chảy nước mắt. Lúc đầu gia đình không hề nghĩ tới khả năng cháu bị cận thị vì con mới 5 tuổi mà nghĩ rằng do thiếu ngủ, hoặc trở lại đi học mẫu giáo sau một thời gian dài nên chưa quen. Nhưng hôm nay đi khám thì các bác sĩ kết luận cháu vừa cận thị, vừa loạn thị và phải đeo kính ngay”.
Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt trung ương lý giải, trong thời gian dịch Covid-19, trẻ không được đi học, không được vui chơi tại không gian mở mà phải ngồi lì trong nhà xem tivi, điện thoại, đọc truyện, chơi game… khiến tình trạng số trẻ mắc tật khúc xạ tăng cao. Bên cạnh đó, chính việc cha mẹ thờ ơ, cho rằng cận thị, viễn hay loạn thị ở trẻ không có gì nguy hiểm cũng là một phần lý do khiến số trẻ mắc tật khúc xạ tiến triển nhanh.
Thực tế, các chuyên gia y tế cho biết, từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Đối với cận thị, căn bệnh này có thể gây bong, rách võng mạc hoặc tăng nhãn áp. Nếu cận thị không được điều chỉnh sẽ làm giảm thị lực và là yếu tố gây cản trở cho sinh hoạt hàng ngày và lựa chọn nghề nghiệp của trẻ trong tương lai. Khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm; còn võng mạc bị kéo mỏng đi sẽ gây ra hàng loạt các biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Đây đều là những bệnh lý mắt có thể gây mù hàng đầu hiện nay, làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Để phòng tránh tật khúc xạ, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều...
Khi phụ huynh cảm thấy trẻ có vấn đề về mắt nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị, tránh dùng các biện pháp chữa dân gian hoặc các cơ sở không đảm bảo uy tín, sẽ ảnh hưởng tới thị lực trẻ sau này.
Đặc biệt, ngay cả việc đo thị lực và cắt kính cũng cần thực hiện ở các cơ sở y tế thay vì ra các cửa hàng kính mắt để cắt kính khi bị tăng độ cận. Bởi nếu các cửa hàng kính không thực hiện đúng quy trình và không có các phương tiện để xác định sẽ không chẩn đoán đúng tình trạng bệnh.