Trong khi 20% giáo viên nói thường xuyên dùng công nghệ trong giảng dạy, một tỷ lệ gần tương tự chưa bao giờ hoặc rất ít khi ứng dụng, từ đó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề: Làm sao để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào học tập hợp lý và có kiểm soát từ trường học, giảng viên?
Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một khảo sát trên quy mô cả nước với hơn 5.000 giáo viên; 130.000 học sinh tiểu học và trung học. Kết quả cho thấy sự chênh lệch về mức độ tiếp cận và kỹ năng công nghệ của cả hai nhóm. Theo đó, có hơn 20% giáo viên tham gia khảo sát chia sẻ thường xuyên tiếp cận và sử dụng công nghệ để hỗ trợ giảng dạy, 15% chưa bao giờ hoặc rất ít khi sử dụng. Ngoài ra, gần 50% giáo viên, chủ yếu ở khu vực khó khăn, nói không thể tiếp cận các tài liệu dạy học số. 39% trường trung học chưa phát triển được tài nguyên số.
Ông Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích, những con số này cho thấy chúng ta có nhiều cải thiện về đầu tư hạ tầng, con người nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong thực hiện chuyển đổi số. Đề án tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với mỗi nhà giáo, người học.
Xu thế giáo dục trong thời đại số đã được các chuyên gia chỉ ra không thể tách rời việc ứng dụng công nghệ số với các công cụ hỗ trợ giảng dạy để người dạy và người học đều chủ động hơn. Thay vì gói trọn trong sách vở và những gì nhận được trên lớp do giáo viên truyền đạt, người học trong thời đại số có thể tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu, kinh nghiệm của người học. Người giáo viên cũng cần nhận thức rõ việc dạy học hiện nay hết sức cơ động và linh hoạt, học ở lớp, học online, học trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm ở hiện trường, thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp, tự học cá nhân, học và làm việc theo nhóm… Vì vậy, việc ứng dụng một cách phổ biến những ứng dụng của khoa học công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy và học tập là điều cần thiết.
TS Bùi Hải Hưng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI nhìn nhận, trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ và sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với chúng ta, giúp làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng truy cập thông tin cũng như phát minh ra những kiến thức mới. Tương tự như vậy, Chatbox hay ChatGPT, các công vụ về AI tạo sinh, tạo hình ảnh khác cũng sẽ ngày càng xuất hiện quen thuộc trong cuộc sống của con người. Vấn đề là làm sao để tận dụng được nó một cách hợp lý, hữu ích.
Chẳng hạn, hệ thống AI hiện nay không những giải các bài toán thông thường ở mức độ cấp III hoặc năm nhất đại học mà thậm chí còn có thể giải thích vì sao lại có cách giải này. Tức là hệ thống AI bây giờ hoàn toàn có thể trở thành một gia sư cho các bạn trẻ.
Ông Hưng cho rằng, nếu học sinh, sinh viên thực sự đam mê, có thể dùng những hệ thống như ChatGPT để tự học toán cấp 3, toán năm đầu tiên đại học một cách dễ dàng và đầy đủ. Việc này cũng có lợi cho vùng sâu vùng xa, giúp học sinh có thể sử dụng những hệ thống như AI để tự học mà không phụ thuộc vào giáo viên nữa. Tuy nhiên, để việc học này có hiệu quả cần có sự quản lý và tổ chức.
Khi đó, vai trò của giáo viên, giảng viên sẽ là người hướng dẫn, truyền cảm hứng, đưa ra các bài giảng cũng phải có sự sắp đặt. Chương trình giảng dạy rất quan trọng, học cái gì trước học cái gì sau và thầy cô giáo sẽ giúp người học hiểu rõ họ có đang hiểu vấn đề hay chỉ là đang copy những lời giải và hoàn toàn không đọc hiểu lời giải đó.
Để sẵn sàng cho việc ứng dụng AI vào cuộc sống, ông Bùi Hải Hưng cho rằng việc đầu tiên là phải đầu tư cả về thời gian cũng như tiền bạc, sự vào cuộc của nhiều bên có liên quan, có Nhà nước, các trường học, và tất cả xã hội. Một khi cả xã hội cùng quyết tâm, mọi việc đều trở nên đơn giản.