Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án Luật, nhiều đại biểu băn khoăn khi luật mới nói đến trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm, ít nói đến trách nhiệm của người kinh doanh bảo hiểm.
Dư địa phát triển thị trường bảo hiểm là rất lớn
Nhận xét chung về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại thảo luận tổ cho biết, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, quá trình góp ý tiếp thu qua nhiều vòng. Bộ Tài chính cũng đã giải trình, tiếp thu rất chi tiết nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên.
“Trước đây, khi dự luật mới được đưa ra thì các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội kinh doanh còn băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề nhưng đến nay, đều đã được tháo gỡ; tuy về kỹ thuật thì vẫn còn phải xử lý thêm” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện đã ban hành được 20 năm. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật; ví dụ như các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm, kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô…
Trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm
Đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) cho rằng: Trên thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện ra bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua. Theo ông Thuận, vừa rồi có trường hợp người bán bảo hiểm nói chỉ như gửi tiết kiệm, nộp vào xong rút ra là được, nên người mua dồn hết tiền vào mua bảo hiểm, song thực tế khi rút ra gần 10 năm sau mới lấy được gốc.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm, ông Thuận cho rằng trong dự thảo luật có quy định kiểm soát về vấn đề này. Theo đó từ Điều 12 đến 41 có nói người mua bảo hiểm phải được giải thích rõ quyền lợi của mình. Tuy nhiên là người từng mua bảo hiểm, ông Thuận cho rằng nhiều khi dễ bị nhầm do người bán nói có lợi cho mình nhưng thực chất lại không rõ ràng. “Cho nên cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ của mình khi mua hợp đồng bảo hiểm”-ông Thuận cho hay.
Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi), cử tri cho rằng luật chỉ quan tâm bảo vệ tối đa quyền lợi của người kinh doanh bảo hiểm mà đôi lúc đặt rủi ro cho người mua bảo hiểm. “Cá nhân tôi là người từng mua bảo hiểm. Ban đầu giới thiệu đến năm thứ 3 sẽ hoàn trả, thậm chí bù tiền lãi và rất nhiều lợi ích nhưng đến khi yêu cầu dừng hợp đồng thì lại coi như mất”-bà Lan nói và đề nghị cần quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp bảo hiểm khi vẫn đẩy rủi ro cho người mua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho biết, luật mới nói đến trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm chứ không nói đến trách nhiệm của người kinh doanh bảo hiểm. Do đó cần nghiên cứu bổ sung để cụ thể hóa mới bảo đảm công bằng và bình đẳng trong kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh và quyền lợi của các bên tham gia bảo hiểm. Đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều người dân cho nên cần đặc biệt lưu ý.
Quy định rõ căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Liên quan đến việc dự thảo luật bãi bỏ quy định chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng: “Đây là vấn đề cần cân nhắc và chưa nên bãi bỏ quy định này”.
Ông Cường phân tích: Pháp luật hiện hành quy định như vậy để bảo vệ lợi ích của người bị hại, họ có quyền lựa chọn hoặc thương lượng hòa giải yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu khởi tố vụ án. Nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại. Đặc biệt chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước trao quyền sở hữu cho UBND cấp tỉnh và một số tổ chức hiệp hội, quyền quản lý trao cho các doanh nghiệp sản xuất quyền sử dụng. Như vậy khi một hành vi xâm phạm thì tất cả các chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố. “Cho nên nếu bỏ quy định này có thể dẫn đến trường hợp có quy định phải khởi tố nhưng chúng ta không chứng minh được sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm”- theo ông Cường.