Trong quá trình đổi mới phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, nhiều câu chuyện về quản lý kinh tế của các ngành các cấp, hiệu quả, đem lại sự phồn vinh cho đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, nhìn lại vẫn có những hiện tượng, hành động, việc làm của các tổ chức cá nhân cản trở tiến trình phát triển, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
1. Có những thông tin đáng “giật mình” về vấn đề môi trường nước ở Việt Nam hiện nay. Như tại Hà Nội, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, có tới 71% số ao hồ ở Hà Nội có chỉ số đánh giá ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Mặc dù nước ta là nước có nguồn tài nguyên nước vào dạng trung bình của thế giới, tuy nhiên phải khẳng định rằng, nước và tài nguyên nước không phải là vô tận, nếu chúng ta không biết chắt chiu, giữ gìn và bảo vệ cho chính đất nước mình.
Các dòng sông thuộc đồng bằng Bắc Bộ có liên quan đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc đang bị ô nhiễm tương đối nghiêm trọng. Với tư cách là cơ quan tham mưu về môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường, trong đó có môi trường nước. Cần phải xem lại ngay sự vào cuộc của các địa phương, các bộ ngành liên quan về các con sông này như thế nào.
Nguyên nhân có lẽ ai cũng biết từ lâu, đó là sự quá tải của các nước thải, rác thải sinh hoạt của các khu vực dân cư thuộc lưu vực các con sông và những nguồn nước thải hầu như không được xử lý của các cơ sở sản xuất: dệt nhuộm, hóa chất, chế biến thực phẩm, đã đổ ra những con sông này từ nhiều năm qua mà họ chỉ phải bị nhận xử phạt vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu, song một thời gian đâu lại vào đấy, vì lợi nhuận sản xuất kinh doanh của họ thu được gấp hàng chục lần tiền phạt.
Chính phủ đã chỉ đạo: “Không đánh đổi sự phát triển kinh tế bằng mọi giá gây hậu quả cho môi trường một cách lâu dài”. Chính vì vậy, câu chuyện về môi trường nước cũng như các môi trường khác: không khí, tiếng ồn, các loại hóa chất độc hại, phương tiện vận tải gây ô nhiễm... vẫn chưa có hồi kết nếu chúng ta không có những chính sách đúng đắn, đầu tư đúng mức để tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm này.
Bởi sau này chúng ta có hàng tỷ đô la cũng không lấy lại được môi trường như trước đây. Kinh nghiệm ở một số nước do tăng trưởng nóng, ít chú ý đến môi trường, họ đã đang và sẽ tiếp tục phải khắc phục hậu quả là một bài học quý báu cho chúng ta.
2. Chúng ta đều biết bảo vệ rừng chính là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đã có hàng trăm hàng nghìn năm nay, bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, bảo vệ bầu không khí trong lành cho đất nước, cho xã hội. Nhưng chính chỉ vì lợi nhuận mà một bộ phận không nhỏ đã xâm phạm đến nguồn tài nguyên này một cách không thương tiếc, hàng năm chúng ta bị tàn phá hàng trăm hecta rừng quý hiếm ở rất nhiều các tỉnh thành phố nhưng chưa ngăn chặn triệt để.
Điều trớ trêu mà mọi người đều biết là những vụ phá hoại rừng có quy mô rất lớn, có khi chỉ cách trạm kiểm lâm hoặc trụ sở chính quyền địa phương vài km, mà sao các cơ quan quản lý và chính quyền không phát hiện sớm để ngăn chặn?
Điều cần đặc biệt quan tâm là rừng tự nhiên có tác dụng cao hơn hẳn rừng trồng lại khi chúng ta đã phá bỏ rừng tự nhiên bằng nhiều hình thức. Đã đến lúc chúng ta phải xem lại hiệu quả của việc sử dụng lực lượng kiểm lâm ở các địa phương, xem lại các chính sách bảo vệ rừng và lấy dân làm gốc để chăm sóc, khai thác có kế hoạch và phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm.
Thực tế không phải không có một vài địa phương giữ gìn rừng rất tốt. Những điển hình này, ngành nông nghiệp phải phổ biến nhân rộng để cùng học tập, giữ gìn, bảo vệ rừng của Việt Nam chúng ta, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
3. Một vài năm gần đây, những con đường hàng chục nghìn tỷ được đầu tư cho các địa phương bằng các hình thức như BOT,… nhưng mới sử dụng được vài tháng hoặc một vài năm đã xuống cấp, phải bỏ tiền ra để sửa chữa lại.
Chúng ta đều biết ngành GTVT là một ngành sử dụng nguồn kinh phí rất lớn hàng năm của đất nước, có vai trò quan trọng trong việc tạo lập một mạng lưới giao thông thuận tiện, an toàn và bền vững. Giảm bớt các chi phí vận tải logistic, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên nếu để tình trạng đường mới làm đã hỏng, không ai chịu trách nhiệm cụ thể đến nơi đến chốn thì thật là nguy hiểm cho hạ tầng giao thông của đất nước khi mà lưu lượng vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng lên. Kinh nghiệm ở các nước cho ta thấy rõ, khâu giám sát thiết kế thi công đầu tư và bảo dưỡng đường là vô cùng quan trọng.
Họ hầu như không để câu chuyện đã rồi mới đi khắc phục, sửa chữa đường và giải quyết hậu quả. Từng km đường phải được giám sát, nghiệm thu chặt chẽ hàng ngày, hàng giờ trên công trường, vai trò của người giám sát thi công là quan trọng nhất và là cao nhất, kể cả quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm.
4. Vừa qua, dư luận lên tiếng về vụ pate Minh Chay của cơ sở Đông Anh (Hà Nội) bán hàng trên toàn quốc với 12.000 khách hàng. Một số khách hàng đã bị ngộ độc mà chi phí cho mỗi đợt điều trị do ngộ độc pate lên tới 70 – 80 triệu đồng/người, bằng thuốc nhập khẩu ở nước ngoài.
Gần đây lại xuất hiện nhiều vụ ngộ độc tập thể của công nhân, học sinh bán trú các trường học ở nhiều địa phương. Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh và báo động cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta khi mà luật an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực một số năm nay.
Ở đây chúng ta mạnh dạn nhắc lại câu chuyện “tiền kiểm và hậu kiểm” mà ngành Y tế và Công thương cho phép các đơn vị sản xuất hàng hóa nội địa được tự công bố chất lượng và lưu hành trên thị trường và sẽ được hậu kiểm của các cơ quan quản lý thị trường, y tế sau khi đã tung hàng ra bán.
Vụ việc pate Minh Chay chỉ là 1 trong những ví dụ của câu chuyện đã rồi mới chạy theo để xử lý, là một bài học cho công tác quản lý ăn uống, dịch vụ ở thị trường Việt Nam. Trong khi kỉ luật sản xuất, kỉ luật thị trường, kỉ cương phép nước chưa đủ sức răn đe với người vi phạm.
Thói quen làm hàng mẫu thì tốt, hàng bán các đợt sau chất lượng hay bị suy giảm, kém phẩm chất để tung ra thị trường không phải là cá biệt, là một vấn đề cần phải từng bước khắc phục triệt để.
5. Mới đây, theo kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng về việc quy hoạch và quản lý 2 bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Các vi phạm về điều chỉnh quy hoạch như: Lên thêm tầng cao, hệ thống cây xanh, các dịch vụ đi cùng. Những điều chỉnh này đã không tính toán đến sự đáp ứng nhu cầu trong nhiều năm của khu đô thị.
Vi phạm này là khá nghiêm trọng và không được ngăn chặn ngay từ đầu, chính vì vậy đã làm cho diện mạo đô thị trông có vẻ hiện đại, nhưng thiếu thốn đủ thứ cho dân cư, gây ách tắc giao thông, ngập lụt. Đó là bài học đắt giá cho công tác quản lý quy hoạch của các đô thị lớn ở Việt Nam. Dù sẽ bị xem xét xử lý nhưng e rằng đã là muộn.
Nhìn lại những vấn đề bất cập nói trên cho ta thấy rằng, đừng để những chuyện đã rồi xảy ra rồi để đi khắc phục hậu quả thì đã quá muộn. Nếu có một kế hoạch cụ thể và có những giải pháp hữu hiệu thì những câu chuyện đã rồi gây hậu quả đáng tiếc sẽ giảm đáng kể.
Góp phần làm lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội, từ đó người dân sẽ được thụ hưởng những thành quả của công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.