Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể (Bắc Kạn) nức tiếng trong và ngoài nước. Thế nhưng gần đây đến với Ba Bể du khách thấy thật đáng buồn…
Khi đi thuyền trên sông Năng vào lòng hồ Ba Bể, du khách sẽ ấn tượng bởi cảnh đồi núi trập trùng phía xa, chen lẫn những tầng mây, sương mù mờ ảo. Mặt nước phẳng lặng, làn nước trong xanh, hai bên bờ những cánh rừng xanh, đan xen có các loại hoa rừng, cây rừng có lá nhiều màu sắc, in bóng xuống mặt hồ, tiếng chim hót trong không gian yên bình, phong cảnh thật đẹp và nên thơ.
Bến thuyền Buốc Lốm nơi đón khách đi thuyền trên sông Năng xuôi vào hồ Ba Bể sau đại dịch Covid-19 này lèo tèo khách. Bến thuyền chưa được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nên hai bên đường đi vào nhà chờ đầy cỏ dại và rác. Khuôn viên nhà chờ trông thật hoang tàn, nhếch nhác.
Trên dòng sông Năng và trên hồ Ba Bể hình ảnh những cô gái Tày trên những chiếc thuyền độc mộc, nhẹ lướt trên mặt hồ Ba Bể phẳng lặng như gương, soi bóng cây xanh và các loại hoa rừng đang dần mất đi. Thay vào đó là những chiếc thuyền máy chạy ầm ầm, rẽ sóng.
Váng dầu của thuyền máy nổi nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, nếu dịp khách đông, tiếng ồn của thuyền máy gây tác động đến hệ sinh thái của di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể. Không chỉ có vậy, tình trạng bê tông hóa nhà nghỉ, các homestay bủa vây hồ Ba Bể ngày càng nhiều, cảnh quan của hồ Ba Bể đang dần bị phá vỡ.
Trên hồ Ba Bể và tại nhiều điểm tham quan ở Bắc Kạn còn thiếu các biển chỉ dẫn, giới thiệu, nơi nghỉ dừng chân cho khách, nhà vệ sinh dành cho khách tham quan chưa thực sự được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm vì rác do du khách sử dụng vứt trôi nổi trên hồ Ba Bể không được thu gom kịp thời trông thật phản cảm.
Ông Nguyễn Tiến Linh- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn nói: Tình trạng rác thải, váng dầu, nhà bê tông hóa ở vùng lõi của di sản là hết sức phản cảm. Ở nhiều quốc gia, quy định người dân không được phép tự ý xây dựng trong vùng lõi vì đây là khu vực bảo tồn, nguồn giá trị sinh quyển.
Vườn quốc gia Ba Bể thành lập từ năm 1992, nhưng người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc ở từ những năm 1950. Đến nay, việc di dân ra khỏi vùng lõi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cần quy hoạch vườn quốc gia, xây dựng những khu vui chơi. Đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng nhà sàn dưới tán lá cây, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Cùng nói về vấn đề hạn chế tại di sản Ba Bể, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn nói: Vấn đề rác thải trên hồ Ba Bể xuất hiện đã lâu, do ý thức của người dân và du khách. Việc quản lý trước đây do Ban quản lý Vườn quốc gia hồ Ba Bể.
Nhưng nay giao cho Ban quản lý du lịch hồ Ba Bể. Người dân phần lớn ở đầu nguồn, trên các con sông, suối xả rác khi nước lớn trôi rác xuống hồ Ba Bể mà không ai quản lý, hướng dẫn, nhắc nhở, không có quy hoạch. Vấn đề rác thải, ô nhiễm, tiếng ồn động cơ, váng dầu trên hồ người dân phản ánh đã có nhiều cuộc họp bàn, cải tạo xuồng chạy trên hồ cho êm hơn, đến nay chưa thành công.
Rác thải, váng dầu, ô nhiễm đi trên hồ thấy thật phản cảm. Chúng tôi kiến nghị cần làm triệt để, quyết liệt. Trước thực trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường hồ Ba Bể hàng tháng lực lượng đoàn viên Thanh niên các cấp có triển khai thu gom rác thải trên hồ Ba Bể, nhưng làm một tháng/lần là quá ít.
Vấn đề nhà bê tông hóa xung quanh hồ Ba Bể là do buông lỏng quản lý. Người dân không nhận thức hết việc tác hại bê tông hóa trong vùng lõi của vườn quốc gia, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan của toàn bộ hồ Ba Bể.
Quanh hồ Ba Bể có 3 bản: Pắc Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc thì có tới trên 10 nhà bê tông hóa hoàn toàn, trong đó tập trung nhiều ở bản Pác Ngòi. Còn 56 nhà dạng homestay chưa bị bê tông hóa sâu, vẫn giữ nét kiết trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc. Việc người dân xây dựng nhà ở, làm homestay đều tự phát.
Ở góc độ nhà quản lý di sản, ông Hà Văn Trường- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết: Vì xuồng của người dân đã cũ, hơn nữa không chỉ chở khách du lịch mà còn phục vụ nhiều nhu cầu sinh hoạt khác nên dẫn tới việc ô nhiễm môi trường trên hồ.
Để hạn chế ô nhiễm, vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã kêu gọi đầu tư vào phương tiện phục vụ khách du lịch trên hồ nên cần chờ thêm khoảng thời gian nữa mới có. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tính đến việc cung cấp dịch vụ trung chuyển bằng các loại xe thân thiện với môi trường. Còn vấn đề người dân xây nhiều nhà bê tông bên hồ đang phá vỡ cảnh quan thì các cơ quan chức năng đang xử lý, đầu mối tập trung là UBND huyện Ba Bể.
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, giá trị về di sản giàu truyền thống, di tích Quốc gia Ba Bể sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn về du lịch. Nhất là hiện tại, di sản này đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vậy thì việc gìn giữ, phát huy giá trị danh thắng hồ Ba Bể rất cần được quan tâm, giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, bấp cập…