Một đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã đặt câu hỏi: Liệu du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời của Bộ trưởng cho sự ví von của đại biểu, tất nhiên du lịch không phải ngôi sao cô đơn, tất nhiên là du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của nhiều ngành. Nhưng Bộ trưởng trong lúc nói về du lịch, cũng đã đề cập đến nhiều điểm nghẽn.
Không có cách quảng bá nào hiệu quả hơn là chất lượng sản phẩm du lịch, bằng chính con người Việt Nam thân thiện, mến khách.
Phải nói cho công bằng là du lịch Việt Nam những năm qua khá phát triển. Việc này nằm trong xu thế chung của thế giới là du lịch trở thành một nhu cầu thiết yếu của đời sống, kể cả đối với du lịch nội địa, đời sống của người Việt không nằm ngoài xu thế này. Lợi thế của một đất nước có bờ biển trải dài, những bãi biển xếp vào hàng đẹp trên thế giới đã thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Có thể dẫn ra đây những số liệu. Năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, chúng ta đã làm gì để phát triển ngành du lịch? Sau những lợi thế về tài nguyên du lịch, chúng ta đã làm gì để nâng tầm tài nguyên lên hay thậm chí còn đang làm cho di sản và các điểm đến bị bào mòn, bị xuống cấp?
Du lịch đang đứng trước những thách thức lớn như: Môi trường biển bị xâm hại, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa, nạn chặt chém, níu kéo du khách, mất an ninh, lừa đảo còn diễn ra...
Có những câu hỏi lớn vẫn đang đặt ra cho ngành du lịch: Làm thế nào khách du lịch đến Việt Nam đông hơn? Làm thế nào khách ở lâu hơn thay vì ra về sớm hơn? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với bạn bè đầy hứng khởi thay vì chê xấu hình ảnh sau khi đến du lịch ở Việt Nam? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất thay vì một đi không trở lại?
Những câu hỏi ấy có lần đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong một hội nghị về du lịch. Còn hôm qua, trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch vẫn đang nói về điểm nghẽn, mà đứng đầu theo ông là hạ tầng giao thông, sân bay quá tải: “Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. Rồi cũng theo Bộ trưởng, cấp thị thực cũng là một điểm nghẽn, xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí cho việc này, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Hiện để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao…
Du lịch Việt Nam, qua liệt kê của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, có vẻ đúng là ngôi sao cô đơn. Có nghĩa là để phát triển nó cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhưng nó hiện đang cô đơn vì những sự phối hợp hoặc chưa tới nơi tới chốn, hoặc không làm cho nó tốt hơn. Có thể hiểu như vậy chăng?
Và để tháo gỡ điểm nghẽn thì, theo Bộ trưởng Thiện, Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đang nỗ lực tháo gỡ, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực chất, để phát triển du lịch cần một chiến lược bài bản và việc thay đổi nhận thức của bản thân nội tại ngành du lịch. Những năm qua, tâm lý ăn xổi, miễn là khai thác được càng nhiều khách càng tốt đã khiến du lịch trở thành nhếch nhác. Liên kết vùng và liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch còn yếu. Chúng ta đã nói về con đường di sản ở miền Trung, đã nói về những chuỗi du lịch tâm linh… nhưng rồi vẫn là khách đến địa phương nào thì biết ở đó, không có những liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.
Việc đa dạng hóa, đổi mới phân khúc, thương mại hóa các sản phẩm du lịch bản địa, đưa văn hóa du lịch bản địa đến với du khách những năm qua vẫn chưa được là bao. Việc Bộ trưởng cho rằng số tiền dành cho xúc tiến du lịch hiện đang ít ỏi rồi coi đó là điểm nghẽn thực ra cũng chỉ là cách nói, nhất là trong thời buổi công nghệ hiện nay, có rất nhiều cách để quảng bá. Mà trong đó không có cách quảng bá nào hiệu quả hơn là phải chứng minh bằng chất lượng sản phẩm du lịch, bằng chính con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Thay vì chụp giật, các công ty lữ hành phải đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch, làm đẹp hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du khách, không vì lợi nhuận mà bán rẻ hình ảnh Việt Nam… Không thể phát triển nếu ngành du lịch không tự thay đổi. Chất lượng nhân lực ngành du lịch tất nhiên không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng cũng không có nghĩa là trong bao nhiêu năm qua vẫn chưa thay đổi được là bao.
Dù vậy, có vẻ như Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đang lạc quan kỳ vọng khi cho rằng sắp tới đây sự nghèo nàn về các sản phẩm du lịch sẽ được thay đổi khi mà ngoài 4 dòng sản phẩm du lịch hiện có là du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá; du lịch sinh thái và du lịch đô thị thì sẽ có thêm sản phẩm du lịch của tương lai là sản phẩm du lịch thể thao. Bộ trưởng cho rằng dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có giải đua F1, cùng với việc đăng cai một số giải thể thao tầm khu vực tạo thành dòng sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế và trong nước…
Du lịch để phát triển, hình như cần nhiều hơn một giải đua F1!