Nói chuyện với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, từ bao đời nay ông cha ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Sinh thời, Bác Hồ cũng từng nói: Kiến thiết Nhà nước cần phải có nhân tài. Bởi vậy, đội ngũ trí thức cần phải được tôn vinh, tạo điều kiện làm việc.
Vào bất cứ thời đại nào, xã hội nào, ở đâu, nếu Nhà nước không biết trọng dụng người hiền tài tất sẽ khó có thể phát triển. Chẳng thế mà từ thời phong kiến, các vua chúa đã đưa ra nhiều biện pháp để thu hút nhân tài. Có những người dùng đức để thu phục nhân tâm, nhưng lại cũng có nơi dùng những lợi ích vật chất to lớn để thu hút hiền tài trong xã hội.
Trong số chúng ta, chắc ai cũng đã từng một lần đọc truyện, hoặc xem phim “Tam quốc diễn nghĩa”. Điển tích “tam cố thảo lư” với việc Lưu Bị dù bị từ chối cũng không nản chí, hết sức nhẫn nại, kiên trì 3 lần tới lều cỏ của Gia Cát Lượng để mời cho được Khổng Minh ra làm quân sư trợ giúp là bài học còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay.
Nói câu chuyện trên còn nguyên giá trị thời sự là bởi, dù xã hội nào thì cũng cần nhiều nhân tài góp sức xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, cần có sự quý trọng, tôn vinh xứng đáng với những người hiền tài để họ đóng góp trí tuệ cho xã hội. Nếu thiếu sự trân trọng, quan tâm đúng mức sẽ không thể thu hút nhân tài ra sức cống hiến.
Bởi thế, Thủ tướng khẳng định, muốn đất nước phát triển phải dựa vào khoa học và công nghệ, bởi nó giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng đánh giá cao và ghi nhận đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, khoa học - công nghệ nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ tiếc là trong thời gian qua vẫn có một số trí thức, người tài chưa được các cơ quan, đơn vị... trọng dụng, sử dụng đúng tài năng, sở trường, khiến họ chưa thể đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước. Do không được quý trọng, nhiều trí thức, người giỏi chuyên môn đã ra nước ngoài làm việc hoặc làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Đó chính là sự “chảy máu” chất xám, lãng phí tài năng. Có thể lấy ngay một ví dụ cụ thể về việc “chảy máu” chất xám trong những năm qua. Đó là việc hầu hết các học sinh đứng đầu cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam sau khi được ra nước ngoài học tập đã ở lại không trở về làm việc.
Hay như việc ở không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, những người thực tài khó có cơ hội phát triển, thậm chí không có cơ hội vào làm việc. Một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thích nghe nịnh, thích được tâng bốc, vì quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm... sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, trọng dụng những kẻ cơ hội, xu nịnh nhưng bất tài.
Còn nhiều ví dụ về việc “chảy máu” chất xám mà trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết. Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính tỏ ra băn khoăn về tình trạng “chảy máu” chất xám, hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước. Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu nguyên nhân tồn tại, đồng thời gợi mở những giải pháp cụ thể để giải quyết từng bước tình trạng đáng lo ngại này.
Hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia, bởi vậy muốn đất nước thịnh vượng, hùng cường thì không có cách nào khác hơn là phải có các giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài. Với một con người hay với một quốc gia cũng vậy, nếu nguyên khí bị hao tổn sẽ dẫn tới sức khỏe ốm yếu, không thể cường tráng. Vì thế, đừng để hao tổn nguyên khí quốc gia!