Việc kìm giữ lãi suất huy động thấp, là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền tiết kiệm bị rút khỏi hệ thống ngân hàng, chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán, có thể gây nên “bong bóng” cho 2 thị trường này. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Theo ông, điểm nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2021 là gì?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Điểm đáng chú ý nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là ngành Ngân hàng đã giữ được ổn định lãi suất. Bước sang quý 2/2021, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng nhưng do mức tăng của lãi suất trên thị trường không lớn, NHNN đã có những hoạt động bơm tiền phù hợp, nên vẫn giữ ổn định lãi suất cho vay, đảm bảo tín dụng tăng trưởng tương đối tốt so với cùng kỳ năm 2020. Hơn nữa, những cảnh báo và điều chỉnh chính sách tiền tệ đã giúp dòng tiền không hướng nhiều quá vào một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, từ đó giúp thị trường tài chính - tiền tệ an toàn hơn, tránh nguy cơ “bong bóng” như những thời kỳ trước đây.
Cũng cần nói thêm về chính sách lãi suất của Việt Nam là dù chịu sức ép của tình hình lạm phát trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải áp dụng chính sách tiền tệ lãi suất âm, nên gần như hết cơ hội giảm tiếp lãi suất, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được có lãi suất thực dương, nên chúng ta vẫn có biện pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay với hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, phục hồi nhanh chóng trước đại dịch Covid-19. Chính vì thế, cùng với việc Việt Nam đã kiềm chế tương đối tốt dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại tương đối ổn định, nên nhiều doanh nghiệp (DN) cần vốn mở rộng sản xuất. Lãi suất ổn định và thậm chí có giảm đã giúp hướng dòng vốn vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, siết chặt lãi suất cho vay với bất động sản và chứng khoán.
Nhưng thưa ông, thời gian gần đây chính NHNN liên tiếp đưa ra thông điệp sẽ siết dòng vốn chảy vào các lĩnh vực nóng như BOT, BT, chứng khoán, bất động sản...
- Chính sách tiền tệ vẫn còn một số điểm cần lưu ý. Về lãi suất, Việt Nam đang mong muốn nền kinh tế đi theo thị trường, nên việc điều hành lãi suất cần linh hoạt và có tính thị trường cao hơn nữa. Chúng ta mong muốn giữ lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế, nhưng dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực nào có lãi suất, khả năng sinh lời cao hơn. Chính việc kìm giữ lãi suất huy động thấp, khiến dòng tiền tiết kiệm bị rút khỏi hệ thống ngân hàng, chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán, có thể gây nên “bong bóng” cho 2 thị trường này. Trong đó, dòng tiền chảy vào thị trường trái phiếu DN cũng rất rủi ro. Bởi phần lớn các DN bất động sản phát hành trái phiếu, trong đó 30% thị trường trái phiếu DN này không có tài sản bảo đảm.
NHNN đã ban hành Thông tư về giãn hoãn, cơ cấu lại nợ cho các DN chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp các DN tiếp tục vay vốn, không phải trả lãi suất cao và lãi phạt vì quá hạn vay nợ. Theo ông, cần lưu ý điểm gì?
- Việc giãn, hoãn nợ là biện pháp tốt giúp DN tiếp tục vay vốn, nhưng nếu các ngân hàng thực hiện không cẩn trọng sẽ làm nợ xấu gia tăng, tăng rủi ro về một khối lượng nợ xấu tiềm ẩn dưới dạng cơ cấu lại nợ, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động toàn hệ thống ngân hàng, thậm chí liên quan đến nhiều lĩnh vực tài chính khác.
Ông có khuyến nghị gì để chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất trong thời gian tới?
- Rất may là chúng ta đã rút kinh nghiệm kịp thời, nhưng cần bài học để điều chỉnh lãi suất phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nền kinh tế thị trường. Việc điều hành tỷ giá của NHNN cũng cần linh hoạt và chủ động cao hơn, giúp tỷ giá diễn biến theo chiều hướng thích hợp, đảm bảo cho hoạt động vay nợ, trả nợ cũng như liên quan đến vấn đề nhập siêu của các DN trong nước. Thực tế mà nói, nếu muốn khuyến khích DN trong nước thì tất cả các cơ quan phải cùng vào cuộc, phải quan tâm để giúp hỗ trợ DN trong nước, ổn định thị trường, giảm nhập siêu, có thể trả nợ được một cách tốt nhất để giữ ổn định hệ thống ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn ông!