Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá và tư vấn đầu tư tài chính đã trở thành một xu hướng. Tuy nhiên, đi kèm với xu hướng này là sự xuất hiện của những chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Vụ án của TikToker Phó Đức Nam, hay còn gọi là Mr.Pips, đã gây chấn động dư luận khi đối tượng này bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền bị cơ quan chức năng phong tỏa lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, thủ đoạn mà Phó Đức Nam và các đồng phạm sử dụng để lừa đảo người dân không chỉ là lời cảnh báo mà còn là bài học đắt giá cho những ai dễ dàng tin vào lời hứa “làm giàu nhanh chóng”. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu về vấn đề này.
PV: Hiện nay các hội nhóm lừa đảo dưới hình thức đầu tư tài chính xuất hiện nhiều trên mạng. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Vậy phải làm gì để ngăn chặn những vụ lừa đảo tương tự, thưa ông?
Thượng tá ĐÀO TRUNG HIẾU: Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là tăng cường quản lý và giám sát bằng việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo liên quan đến đầu tư tài chính trên mạng xã hội. Phối hợp với các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube để gỡ bỏ và xử lý kịp thời các tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.
Bên cạnh đó, công khai cảnh báo rộng rãi các hình thức lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông. Công khai danh sách các sàn giao dịch, công ty, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo để người dân biết và cảnh giác.
Cùng với đó là hoàn thiện khung pháp lý và tăng mức xử phạt đối với tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Đẩy mạnh truy tố các đối tượng cầm đầu các đường dây lừa đảo để răn đe.
Và cuối cùng là tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức tài chính, đầu tư cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và người trẻ. Phát triển các chương trình giáo dục về đầu tư an toàn trong nhà trường.
Nhưng thưa ông, tâm lý ham làm giàu, “ngồi mát ăn bát vàng” vẫn khiến cho nhiều nhà đầu tư bị lừa đảo?
- Đúng vậy! Vì thế, người dân cần tỉnh táo để phòng tránh lừa đảo đầu tư, để tránh rơi vào các “cạm bẫy” lừa đảo liên quan đến chứng khoán quốc tế, tiền ảo, và ngoại hối.
Hơn ai hết, người dân phải nâng cao kiến thức, hiểu biết về đầu tư. Một khi muốn đầu tư thì tìm hiểu kỹ về lĩnh vực đầu tư và chỉ tham gia đầu tư khi đã có hiểu biết rõ ràng về sản phẩm tài chính và thị trường.
Người dân tham khảo kiến thức từ các chuyên gia tài chính, cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước. Tham gia khóa học tài chính chính thống, tránh học qua các khóa học từ những KOL hoặc cá nhân không có uy tín trên mạng xã hội.
Chính chúng ta phải tỉnh táo trước những lời mời hấp dẫn, hứa lãi suất cao. Chúng ta thừa biết không có kênh đầu tư nào vừa sinh lời nhanh, vừa an toàn tuyệt đối. Cam kết lợi nhuận cao bất thường thường là dấu hiệu lừa đảo. Những hình ảnh nhà lầu, xe hơi, cuộc sống xa hoa có thể là chiêu trò để đánh vào lòng tham.
Ngày 20/12, Công an TP Hà Nội đã triệt phá một ổ nhóm tội phạm sử dụng các thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ nạn nhân, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng thông qua đầu tư ngoại hối và chứng khoán trái phép. Ông đánh giá như thế nào về các sàn giao dịch trái phép vẫn đang tồn tại công khai?
- Theo tôi khi người dân muốn đầu tư vào đâu việc quan trọng nhất là kiểm tra tính pháp lý của sàn giao dịch. Đó là xác minh giấy phép hoạt động: Chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch có giấy phép hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức quốc tế uy tín. Tránh các sàn giao dịch nước ngoài không rõ nguồn gốc bởi nhiều sàn hoạt động trái phép, trụ sở ảo và không chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.
Điểm nữa mà tôi cho là rất quan trọng, trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân và tài chính. Bảo mật thông tin cá nhân rất quan trọng. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hoặc mã OTP cho người lạ. Tránh tải ứng dụng không rõ nguồn gốc: Các ứng dụng giả mạo có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy cắp thông tin.
Tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, hỏi ý kiến từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư trước khi quyết định đầu tư. Tham khảo người thân, bạn bè có kinh nghiệm để có thêm góc nhìn khách quan...
Các dấu hiệu lừa đảo thường có những đặc điểm như: Lời mời từ các nhóm kín hoặc qua tin nhắn cá nhân. Chúng ta cảnh giác với lời mời tham gia các nhóm Telegram, Zalo để “học cách làm giàu”; Yêu cầu nạp thêm tiền để “gỡ lãi” hoặc “nâng cấp tài khoản” bởi đây là dấu hiệu của mô hình đa cấp hoặc lừa đảo Ponzi.
Website và ứng dụng hoạt động thiếu minh bạch: Giao diện sơ sài, thiếu thông tin liên hệ rõ ràng thường là sàn giả mạo.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất; Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05). Các đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, hãy luôn giữ tâm lý tỉnh táo, không chạy theo cơn sốt đầu tư và tránh bị lòng tham che mờ lý trí. Sự cẩn trọng và hiểu biết là “lá chắn” tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Trân trọng cảm ơn ông!