Đừng làm khó địa phương

Thanh Tùng 24/08/2020 06:00

Giải pháp nhân văn của TP Đà Nẵng sẽ không trọn vẹn, khi đại bộ phận người ngoại tỉnh kẹt lại TP này chưa nhận thức đầy đủ về quy trình nghiêm ngặt phòng, chống lây lan dịch bệnh. 

Sau 3 đợt cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 (đợt đầu kể từ ngày 1/4 đợt 2 kể từ ngày 28/7, đợt 3 kể từ ngày 12/8), Đà Nẵng có trên dưới 100.000 người là công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự do, sinh viên, học sinh ở các địa phương khác kẹt lại, không thể về nơi cư trú.

Ngoài việc hỗ trợ thường xuyên lương thực, nhu yếu phẩm, Đà Nẵng cũng lên phương án để trước mắt, đưa khoảng 10.000 người địa phương khác, bị kẹt lại trở về quê hương khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát.

Chỉ có 300/730 người Quảng Ngãi kẹt lại Đà Nẵng lên xe về quê sáng 22/8. Ảnh Thanh Tùng.

Tình huống không mong đợi đã xảy ra ngay từ lần đầu tiên tổ chức cho gần 1.000 lao động Quảng Ngãi về quê theo nguyện vọng. Hơn một nửa trong tổng số 730 người có tên trong danh sách, không lên xe vào phút chót với lý do “sợ cách ly”!

Ngày 22/8, tại quảng trường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng) TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp đưa 730 người Quảng Ngãi (công nhân, lao động tự do, học sinh, sinh viên) kẹt lại Đà Nẵng sau các đợt cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng về nơi cư trú.

Cả 2 địa phương đã huy động gần 30 xe ca loại 45 chỗ, xe cứu thương, xe CSGT dẫn đường để đảm bảo hành trình thông suốt trên chặng đường hơn 130 km từ Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, chia sẻ thông tin với báo chí tại thời điểm đoàn xe chuẩn bị khởi hành, lãnh đạo ngành chức năng Quảng Ngãi cho biết, chỉ có 300/730 người Quảng Ngãi lên xe về quê.

Tình huống bất ngờ này được đại diện ngành chức năng Quảng Ngãi có mặt tại hiện trường nhận định có thể do nhiều người vướng công việc đột xuất và đặc biệt là “sợ” về quê phải cách ly y tế 14 ngày!

730 người Quảng Ngãi kẹt lại Đà Nẵng đăng ký nguyện vọng với cơ quan chức năng và được chốt danh sách nhưng đến giờ chót đột ngột thay đổi quyết định; là điều rất đáng chê trách, thậm chí cần phải lên án giữa lúc cả nước đang căng mình ứng phó với dịch bệnh!.

Diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường của dịch Covid-19 buộc các địa phương trên cả nước phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để tránh lây lan, trong đó có cách ly y tế 14 ngày đối với người về hoặc đến từ tâm dịch Đà Nẵng.

Với tiện ích công nghệ thông tin như hiện nay, người địa phương khác kẹt lại Đà Nẵng, đều nắm rõ quy định cách ly y tế bắt buộc vì thế nên không thể viện ra bất cứ lý do gì để hủy bỏ quyết định vào giờ chót.

Trước khi phối hợp với Đà Nẵng đưa người về quê vào sáng 22/8, Sở Y tế Quảng Ngãi cũng sẵn sàng phương án (phòng, chống lây lan dịch bệnh) như lấy ngay mẫu xét nghiệm, bố trí nhiều khu cách ly, trong đó có 2 khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng và Trung tâm Huấn luyện giáo dục quốc phòng, an ninh tỉnh cho 730 người theo danh sách đã được lập.

Ngoài 30 ô tô 45 chỗ, xe CSGT, xe cứu thương, Quảng Ngãi cũng huy động gần 100 người gồm công an, nhân viên y tế, tình nguyện viên ra Đà Nẵng, hỗ trợ đưa 730 người của các địa phương trên địa bàn tỉnh về quê. Đáng tiếc là nỗ lực và sự chu đáo của chính quyền 2 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Ngãi) không được như mong đợi khi có đến hơn một nửa số người đăng ký không lên xe trong buổi sáng ngày 22/8.

Theo thống kê chưa đầy đủ, qua các đợt cách ly phòng, chống dịch, TP Đà Nẵng có không dưới 16.000 người ngoại tỉnh (chủ yếu đến từ các địa phương miền Trung) kẹt lại TP này trong đại dịch.

Nếu kể cả công nhân tại các khu công nghiệp thì số lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng tính đến thời điểm này là trên dưới 100.000 người. Tất cả người ngoại tỉnh kẹt lại Đà Nẵng kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát vào đầu năm nay đều được chính quyền, Mặt trận, tổ chức xã hội của Đà Nẵng quan tâm, hỗ trợ.

Ngày 19/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, đã gửi công văn (số 543/MTTQ- BTT) đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 quận, huyện (trừ huyện đảo Hoàng sa) về việc hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Các trường hợp được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người bán hàng rong, bán vé số, xe thồ, người khuyết tật khó khăn, công nhân, sinh viên ở trọ khó khăn (trong đó có hơn 10.000 ngàn lao động ngoại tỉnh kẹt lại TP trong dịch bệnh) và các hoàn cảnh khó khăn khác. Mức hỗ trợ được Ủy ban MTTQ Việt Nam thống nhất với các cơ quan liên quan của TP là 10 kg gạo/1khẩu/1tháng (kể từ ngày 1/8).

Đã có 100 tấn gạo đầu tiên được phân bổ về 7 quận, huyện, ưu tiên cho hộ gia đình, người khó khăn trong khu cách ly. Trong tuần này, sẽ có thêm 100 tấn gạo tiếp tục được phân bổ về các địa phương hỗ trợ cho khoảng 170.000 người gặp khó khăn về lương thực, trong đó có hàng chục ngàn người đến từ địa phương khác bị kẹt lại.

Tròn 1 tháng kể từ ngày xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên (BN 416) của đợt bùng phát trở lại lần thứ 2 tại Bệnh viện C Đà Nẵng vào ngày 24/7; dịch bệnh tại tâm dịch Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát. 3 điểm nóng khởi phát 3 ca dương tính 416, 418, 420 được làm sạch, trong đó có 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, trở lại hoạt động bình thường.

Cùng với nỗ lực, quyết tâm cao nhất nhằm chặn đứng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, TP Đà Nẵng cũng chuẩn bị phương án phù hợp để người các địa phương khác trở về nơi cư trú theo nguyện vọng. Giải pháp nhân văn của TP Đà Nẵng sẽ không trọn vẹn, khi đại bộ phận người ngoại tỉnh kẹt lại TP này chưa nhận thức đầy đủ về quy trình nghiêm ngặt phòng, chống lây lan dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng làm khó địa phương