Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vụ việc Công ty VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả H - Capita gây xôn xao dư luận, GS TS Phạm Gia Khải, Ủy viên Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, đối với những người trong ngành y tế thì đây là việc làm không thể chấp nhận được. Họ đang đi ngược lại với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc.
Ông Phạm Gia Khải.
PV: Vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam có chương trình giám sát về hành nghề y tế tư nhân. Qua giám sát, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của y tế tư nhân?
Ông Phạm Gia Khải: Đã làm nghề y, thì người ta phải xác định gắn bó với nghề nghiệp đến hết cuộc đời. Khi đã quá tuổi mà Nhà nước quy định những người thầy thuốc không làm cho Nhà nước nữa nhưng vì xã hội cần tới sự có mặt của họ cho nên họ hành nghề y tế tư nhân.
Theo tôi, y tế tư nhân có những mặt lợi nhất định mà xã hội không thể phủ nhận. Trên thế giới, không có nước nào mà chỉ có y tế nhà nước.
Tuy nhiên, tùy theo từng nước, với những nước có nền công nghiệp phát triển, lực lượng y tế đã đáp ứng được yêu cầu mà xã hội cần thì nước đó y tế tư nhân ít phát triển. Ngược lại, những nước có nền kinh tế phát triển chưa đủ mạnh thì y tế tư nhân lại có đất “dụng võ”.
Tôi là người làm việc lâu năm trong nghề, khi đến tuổi hưu, bản thân cũng xin giấy phép hành nghề y tế tư nhân, cái đó theo tôi là đúng, không có gì sai.
Tuy nhiên, hành nghề y tế tư nhân theo quy định không thể vĩnh cửu. Vì sao tôi nói điều này, bởi vì ngành y là nghề phải phấn đấu suốt đời, nếu chúng ta tự hài lòng với bản thân, không nỗ lực cố gắng sẽ bị lạc hậu ngay.
Trên thế giới, ở một số nước, việc hành nghề y tế tư nhân bị cạnh tranh rất nhiều. Điển hình như Isarel, Nhà nước chỉ cho đăng ký hành nghề trong 3 năm.
Trong 3 năm đó nếu họ không làm gì sẽ bị Nhà nước thu hồi giấy phép. Việc này nói lên sự tiến bộ của xã hội, tiến bộ của khoa học.
Hiện nay nhiều người có suy nghĩ y tế tư nhân không thể bằng y tế nhà nước hoặc họ cũng quan ngại về những câu chuyện đau lòng xảy ra tại phòng khám tư nhân ngày một nhiều. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Đúng vậy, những thiếu sót tại bệnh viện tư nhân có nhiều nhưng nói thế không phải bệnh viện nhà nước là không có thiếu sót. Sự giống nhau của các thiếu sót đó là ý thức trách nhiệm.
Tôi làm nghề dạy học nhiều học năm, thấy rằng người nào có ý thức trách nhiệm với bệnh nhân ngay từ những ngày đầu thì họ sẽ luôn có trách nhiệm.
Tuy nhiên, có những người lúc đầu họ chưa hiểu nhiều về nghề nghiệp nhưng qua thời gian làm việc họ đã dần hiểu ra.
Ý thức trách nhiệm trong nghề rất quan trọng. Gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng bạo hành trong ngành y tế. Nguyên nhân một phần do thái độ của người trong ngành y.
Câu chuyện bệnh nhân bực bội vì gia đình họ có người bị thương vong, có người bị cấp cứu là đúng, vì một phút chờ đợi người nhà mình được cấp cứu có thể dài bằng mấy giờ đồng hồ.
Nhưng cũng không thể vì thế mà bệnh nhân lại hành hung bác sĩ, đó là hành vi không thể chấp nhận được. Việc này cần sự cố gắng của cả hai phía.
Vậy, thưa ông trong thời gian tới Tổng Hội Y học Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung gì để có thể giám sát việc hành nghề y tế tư nhân này được tốt hơn?
- Tôi nghĩ phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Muốn hành nghề y tế tư nhân, bản thân người thầy thuốc đó phải trải qua những lớp học để cập nhật tình hình vì nghề y không thể suy luận mà cần có bằng chứng sát thực.
Do đó, cứ khoảng 2 năm một lần, chúng tôi phải đi học tại một lớp gọi là lớp cấp phát lại bằng chuyên môn, sau đó mới được phép cấp một chứng chỉ hành nghề để hoạt động.
Hiện nay có nhiều trung tâm y tế tư nhân phát triển rất tốt. Ví dụ, tại Mỹ, giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện nhà nước có sự liên thông với nhau về chế độ bảo hiểm.
Bản thân tôi cũng đã từng đến nước Mỹ để chữa bệnh cho trẻ em theo chương trình phối hợp giữa Chính phủ hai nước, tôi thấy rằng trước khi thực hiện ca phẫu thuật cho một đứa trẻ, người bác sĩ được giao nói chuyện với gia đình người bệnh trong một giờ đồng hồ để liệu trình các tình huống có thể xảy ra, vì thế luôn có sự đồng cảm và chia sẻ giữa thầy thuốc và người bệnh. Chúng ta cũng nên phấn đấu như thế.
Hiện nay, trong ngành y tế đang có một câu chuyện nổi lên đó là hiện tượng thuốc giả. Vậy, theo ông trong thời gian tới cần phải giám sát như thế nào để hạn chế tình trạng này?
- Sự việc đáng tiếc này xảy ra thể hiện sự giám sát không nghiêm ngay từ khâu tổ chức của cán bộ có trách nhiệm.
Tôi nghĩ rằng, cán bộ lãnh đạo trong tất cả các ngành, trong đó có ngành y tế phải là những người có tâm trong sáng, vì nếu không có sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, việc này không thể chấp nhận được.
Cần phải nhìn vào bản chất của một số sự việc liên quan đến thuốc chữa bệnh hiện nay. Là thuốc thật nhưng nhập lậu để trốn thuế. Việc này chủ yếu gây thiệt hại về kinh tế.
Nhưng thuốc giả thì hậu quả khôn lường. Nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nhất là bệnh ung thư, có thể đẩy người bệnh đến cái chết nhanh hơn. Sự việc xảy ta tại Công ty VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả H - Capita là một ví dụ.
Người ta vẫn nói lương y như từ mẫu, lời thề Hypocrate phải luôn cháy trong huyết quản của chính đội ngũ y, bác sĩ trong ngành. Nhưng thực tế, đang có những người đi ngược lại với lương tâm của chính bản thân mình. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước những gì mình đang làm.
Trân trọng cám ơn ông!