Các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) vừa công bố công trình nghiên cứu chữa bệnh mù lòa nhờ sử dụng liệu pháp gene để lập trình lại các tế bào nằm trong võng mạc.
Trung bình cứ 4.000 người thì một người bị mắc các bệnh về thoái hóa võng mạc, khiến thị lực kém dần và dẫn đến mù lòa. Đây là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, cho dù thị lực có kém đi thì trong võng mạc vẫn còn nguyên vẹn những tế bào không có khả năng tiếp nhận kích thích ánh sáng. Trước đó, các nhà khoa học nói trên đã chứng minh được rằng những tế bào này có thể được kích thích để bắt chước phản ứng trực quan và phục hồi một chút thị lực.
Các nhà khoa học đã sử dụng một loại virus biến đổi gene để cấy một gene mới quy định việc sản sinh protein có khả năng tiếp nhận kích thích ánh sáng melanopsin vào những tế bào trên ở những con chuột bị mù do viêm võng mạc sắc tố và theo dõi những con chuột này trong hơn một năm. Họ thấy rằng trong suốt thời gian này, những con chuột trên đã nhìn thấy các đồ vật xung quanh.
Theo các nhà khoa học, những tế bào được cấy melanopsin có khả năng tiếp nhận kích thích ánh sáng và truyền tín hiệu nhìn thấy về não, từ đó những con chuột trên đã nhìn được trở lại. Theo tác giả chính của nghiên cứu trên, ông Samantha de Silva, bước tiếp theo của công trình thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này ở người.