Số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2022 ước khoảng 895.500 người, tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), đây là việc cực chẳng đã. Do đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong thời gian tới khi năm 2023 được dự báo là rất khó khăn.
PV: Tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần đang gia tăng. Đây cũng là vấn đề được cử tri quan tâm lo ngại qua tổng hợp báo cáo công tác Dân nguyện tháng 11. Theo bà nguyên nhân do đâu?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Thời gian gần đây, người dân ồ ạt rút BHXH 1 lần. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do khó khăn của nền kinh tế. Từ đó dẫn tới doanh nghiệp (DN) giảm đơn hàng, không ký được đơn hàng mới, phải giãn, tạm ngưng việc, cắt giảm lao động, khiến người lao động mất một phần thu nhập, dẫn tới gia tăng rút BHXH 1 lần. Đây là việc “cực chẳng đã”, đặc biệt là đội ngũ công nhân nghèo mất việc làm, họ không còn khoản thu nhập nào nên mới phải rút bảo hiểm. Với họ đây là khoản tiền dễ xoay sở nhất để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên việc người lao động ồ ạt rút BHXH 1 lần cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ mà trong lúc khó khăn họ chưa nghĩ đến.
Những hệ luỵ khi rút BHXH 1 lần sẽ như thế nào, thưa bà?
- Cái lợi trước mắt là người dân có 1 khoản tiền ngay lập tức để chi tiêu. Nhưng trong tương lai sẽ rất khó khăn vì rút BHXH 1 lần sẽ ảnh hưởng tới chế độ hưu trí. Gần như “ứng tiền của tương lai để lo cho hiện tại” nên tương lai sẽ rất khó khăn. Thậm chí dồn cả áp lực lên các chế độ an sinh xã hội khác của Nhà nước. Tình trạng này nếu chúng ta không sớm có giải pháp để ngăn chặn thì hệ luỵ của nó sẽ rất lớn.
Để giải quyết tình trạng trên theo bà cần có giải pháp gì?
- Rất cần những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt là trong thời gian tới, vẫn cần hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 mới là thời điểm khó khăn vì “ngấm” những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Bởi vậy Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần rà soát thật kỹ để đề xuất những hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho người lao động hiện nay vẫn bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, tránh để họ phải nghĩ tới việc rút BHXH 1 lần.
Bên cạnh đó, cần gói hỗ trợ cho DN. Ví dụ hỗ trợ vay vốn để DN có thể giữ chân người lao động, trả lương cơ bản cho người lao động. Bởi DN không có đơn hàng thì người lao động sẽ nghỉ việc. Và khi DN tái khởi động sản xuất sẽ rất khó khăn với việc tìm lao động. Còn về lâu dài có thể sửa Luật BHXH.
Nhiều ý kiến cho rằng khi sửa Luật BHXH nên giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống tối thiểu 15 năm sẽ giúp những người gần 50 tuổi cũng có thể đóng BHXH và được hưởng lương hưu khi về già. Quan điểm của bà?
- Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm đã có nhiều ý kiến đề xuất. Đa số đề xuất giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm. Tuy nhiên Luật BHXH mới được sửa năm 2014, đến nay mới thực hiện được vài năm. Còn việc giảm thời gian đóng BHXH cần tính toán, điều tra kỹ lưỡng để đánh giá tác động của chính sách. Bởi DN rất muốn thời gian đóng bảo hiểm dài hơn để họ có thể linh hoạt hơn và cũng thuận lợi hơn cho DN. Nhưng người lao động muốn thời gian đóng bảo hiểm ít hơn, và thời gian được hưởng bảo hiểm sớm hơn. Đây là vấn đề phải tính toán kỹ để đảm bảo lợi ích của cả phía người lao động và DN. Bởi chỉ cần rút ngắn 1 năm thì tác động của nó với xã hội đã khác rồi chứ chưa nói đến 5 năm.
Nhưng thực tế có việc người dân băn khoăn khi “đóng nhiều nhưng lấy ra ít”, một năm đóng 2,64 tháng lương nhưng khi rút lấy được 2 tháng, mất 0,64 tháng. Từ đó họ không yên tâm, thưa bà?
- Người lao động nghĩ rằng “đóng nhiều nhưng lấy ra ít” mà họ chưa tính toán hết các khoản chi của bảo hiểm. Thực tế bảo hiểm chi rất nhiều chế độ khác như: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, ma chay, tử tuất… Các khoản chi của bảo hiểm rất nhiều tuy không phải cá nhân nào cũng đều được chi đầy đủ các khoản như thế. BHXH là dựa trên cơ sở san sẻ, người lao động có thể đóng khoản tiền ít nhưng khi bị tai nạn lao động lại được hưởng nhiều hơn số tiền đóng. Đó chính là ý nghĩa của bảo hiểm.
Do người lao động chưa tính toán hết đến các khoản chi của bảo hiểm nên thấy mình bị thiệt thòi. Vì thế chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu được ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm.
Nhưng thực tế nhiều người dân vẫn không mặn mà với bảo hiểm, thưa bà?
- Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, chúng ta cần rà soát lại các thủ tục hành chính. Bởi nhiều khi người dân nản vì thủ tục hành chính. Đúng chế độ chính sách nhưng họ không thích sử dụng vì thủ tục hành chính rườm rà. Ví dụ đi khám bệnh thông thường khi chi phí không nhiều thì hầu hết mọi người không sử dụng bảo hiểm vì sợ thủ tục phiền phức. Thay vào đó là khám dịch vụ. Chỉ đến khi khám bệnh cần khoản tiền lớn người dân mới dùng đến bảo hiểm. Đó là do thủ tục hành chính chưa được đơn giản tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người dân đóng bảo hiểm. Do đó cần rà soát các thủ tục làm sao cho vừa đảm bảo quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng để trục lợi bảo hiểm nhưng cũng tạo sự thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ.
Trân trọng cảm ơn bà!