UBND TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ trật tự đô thị vì hành vi đánh người bán rau chảy máu mắt và đa chấn thương phần mềm. Đây chỉ là bước đầu tiên trong quy trình xác minh, xử lý của cơ quan chức năng đối với hành vi côn đồ của các cán bộ thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị TP Bắc Kạn.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, duy nhất cán bộ quản lý trật tự đô thị có hành vi hung hãn, mắng nhiếc, phá hoại tài sản, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người dân. Thời gian qua, không thiếu những vụ cán bộ trật tự đô thị giằng co làm tung tóe gánh hàng rau, đạp đổ xe hoa quả của người dân rồi dùng chân giẫm đạp cho nát bấy.
Ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người ta đã quá quen với hình ảnh xe của dân phòng, trật tự đô thị lâu lâu lại lượn qua các hàng nước lấn chiếm vỉa hè, rồi các cán bộ lao xuống tịch thu bàn ghế quăng lên xe chở về phường. Những hình ảnh phản cảm ấy khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc, nhưng đành bất lực chứng kiến.
Nói như vậy không có nghĩa cổ súy cho việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè để bán nước, mở quán hàng ăn... Thực sự thì ai cũng thấy những hình ảnh đó trông khá là nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông. Song, một câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao không dẹp hẳn đi, hoặc để yên cho người dân kiếm sống?
Nếu chính quyền địa phương cảm thấy không thể chấp nhận những gánh hàng rong, những chiếc xe chở hoa quả lượn quanh các phố bán hàng, những quán nước, quán ăn mọc lên lấn chiếm phần đường của người đi bộ... thì phải cương quyết dẹp bỏ bằng các biện pháp, kể cả phải mạnh tay bằng các chế tài nặng để người dân biết sợ mà không dám nhu nhơ. Song, chế tài nặng rất khác với hành vi bạo lực với dân.
Còn nếu đã có chút cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, muốn tạo điều kiện cho họ kiếm miếng cơm qua ngày thì hãy tỏ ra tử tế đến cùng. Đừng có kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”, tức là vẫn cho bán hàng (không chính thức bằng văn bản, mà chỉ là bằng mồm) nhưng thi thoảng lại “ghé qua hỏi thăm” chủ quán hàng.
Theo quy định của pháp luật thì mọi hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mở hàng quán, trông giữ xe khi chưa được phép là phạm pháp. Nhưng vì sao hầu hết các phố của Hà Nội và các đô thị lớn khác trên cả nước vẫn xuất hiện những hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mở dịch vụ trông giữ, rửa xe, mở quán hàng ăn, bán quán nước?
Câu trả lời thì có lẽ ai cũng biết, chỉ có điều chẳng ai muốn nói ra vì không khéo lại “vạ miệng”. Sở dĩ người ta vẫn có thể lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là do sự buông lỏng quản lý, nếu không muốn nói là có sự nhấm nháy tiêu cực, nhắm mắt làm ngơ của chính quyền địa phương và cá nhân những người thực thi công vụ.
Chẳng thế mà cứ mỗi độ thành phố (tỉnh) hay quận (huyện) “ra quân” lập lại trật tự đô thị, lập tức những hàng quán lấn chiếm vỉa hè đều đóng cửa im ỉm, đố ai thấy sự bệ rạc trên đường phố. Nhưng chỉ sau đợt “ra quân” của lực lượng chức năng, quang cảnh của các con phố lại “náo nhiệt”, “sầm uất” trở lại, mặc cho giao thông ách tắc.
Điều đó được lý giải rằng, đã có những cán bộ thoái hóa biến chất, cầm tiền để bảo kê cho các hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Vì thế, họ lập tức thông báo tới những người vi phạm trật tự đô thị thông tin về số lượng, thời gian lực lượng chức năng “đi tuần”. Khi hết đợt “cao điểm”, người vi phạm lại được thông báo có thể “làm ăn” trở lại.
Đó là lý do mà tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho các phương tiện giao thông trở nên quá khó, như bắt cóc bỏ đĩa, không triệt để được. Làm sao có thể “xóa sổ” vấn nạ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khi chính một số người thực thi công vụ bảo kê, mách nước?
Tất nhiên, trong số những người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng có những người thực sự khó khăn, họ buộc phải bám vào đường phố để mưu sinh. Vì thế, nếu muốn làm rốt ráo vấn đề cảnh quan đô thị, không chỉ cần thái độ cương quyết, chế tài mạnh, mà còn cần sự bố trí hợp lý cho những hoàn cảnh khó khăn để họ có nguồn thu nhập.
Còn khi đã không thể dẹp bỏ, vẫn chấp nhận những gánh hàng rong, nhưng chiếc xe thồ đi bán dạo, những hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như là một nét văn hóa của đô thị, thì hãy để yên cho người dân kiếm sống. Đừng có nghiêm nửa vời để rồi mượn cớ, cậy quyền thế ức hiếp người dân, kiếm ăn trên mồ hôi công sức lao động của họ. Như vậy không chỉ là sự phản cảm mà còn là sự thất đức, vi phạm pháp luật.