Đối với những người theo đạo Phật, việc đi lễ chùa đầu năm là tìm đến sự khởi đầu an lành, hạnh phúc. Nhưng sự “đứt gãy” văn hóa một thời gian dài khiến văn hóa lễ chùa có nhiều đổi thay, nói như Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hiện nay, do không hiểu phong tục lễ chùa, nên người ta “o ép” thần linh phục vụ cho những nhu cầu trần tục.
Đi lễ chùa đầu năm.
Từ những ngày đầu năm mới cho đến hết tháng Giêng, đâu đâu cũng thấy nói chuyện hành hương. Bởi lễ chùa đầu năm từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Những dịp này, người ta thường đi cả gia đình ba, bốn thế hệ. Những đứa trẻ làm quen phong tục này từ rất sớm, rồi giữ đến mai sau.
Khi một năm mới bắt đầu, người ta thường có thói quen đứng trước Tam Bảo, cầu nguyện những điều an lành may mắn đến với gia đình. Chùa Bà Đá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày đầu năm mới không quá ồn ào. Chị Nguyễn Thị Tâm, phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm dẫn hai cháu nhỏ xúng xính trong bộ áo dài cách tân đi lễ.
Chị cho biết: “Gia đình tôi từ ông bà, cha mẹ đều quen đi lễ chùa dịp năm mới. Ngày trước, bà tôi thường bảo cuộc đời có nhân quả, nên cũng không mong cầu gì nhiều. Chỉ mong sao gia đình được an bình là mừng rồi. Tôi cho các cháu đi chùa để làm quen với tình yêu thương của nhà Phật”.
Nhưng những cảnh thanh bình trong ngày đầu năm mới ở cửa thiền không nhiều. Nhiều nơi, chen vào được đến Tam Bảo đã là khổ. Đứng hành lễ cũng là khổ, vì bị xô đẩy, vì bị “hun” bởi khói hương nồng nặc. Lễ xong cũng khổ, vì bị “hun” bởi hóa vàng.
Cũng những ngày này, câu chuyện “hỉ nộ ái ố” lại xuất hiện dày đặc ở nơi, vốn xa với những điều trần tục. Những cảnh xô đẩy giành lộc, những bàn tay tượng Phật cầm cả mớ tiền lẻ, những đống vàng mã đốt cả tiếng đồng hồ không xong, những bát gạo của “ngọc thực” được vứt vương vãi khắp nơi... nơi cửa Phật. Và cả những cãi vã được kết thúc bằng những màn xô xát tay chân.
Một số người đành lặn lội đến vùng ngoại thành ở Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Chương Mỹ..., những ngôi chùa còn ít người biết đến để tìm chút thanh bình. Một số khác, đợi đến ngoài Rằm tháng Giêng, khi khách vãn bớt mới lên đường. Một số người phản ứng mạnh mẽ hơn trước sự đổi thay của văn hóa lễ Phật bằng cách không đi lễ chùa.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, lễ chùa là một nét văn hóa, nhưng một thời gian, chúng ta không coi trọng nét văn hóa này, dẫn đến “đứt gãy” về văn hóa, nhiều người hiểu sai về lễ chùa đầu năm, đem những điều trần tục đến cửa Thiền.
Vấn đề không phải “quay lưng” lại, mà làm sao để có thể giữ được nét đẹp lễ chùa, cả phần nghi lễ lẫn tâm hồn.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đi chùa đầu xuân là cơ hội để bản thân trở về nơi di tích truyền thống của cha ông, lễ chư Phật chư vị Tổ sư để gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, giữ được tấm lòng thanh thản. Nhà Phật dạy Phật tử đến chùa không cần phải cầu kì lễ to hay lễ bé. Quan trọng là dành cho mình không gian để làm sao trong những ngày xuân được hoan hỉ với mọi người.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phật chỉ ra cho mình con đường đi đến sự an lạc, sự giác ngộ, các Phật tử đến với chùa ngày xuân, đến với Phật mà thấy được sự an lạc thì chính là Phật đã làm chứng cho mình chứ không phải mình mang lễ to đến cầu xin Phật để năm nay mình được cái nọ, cái kia.
“Muốn được cái nọ, cái kia thì phải do bản thân mình cố bằng những hành động, việc làm cụ thể. Hiện nay, do không hiểu phong tục lễ chùa, nên người ta “o ép” thần linh phục vụ cho những nhu cầu trần tục. Phật là mẫu mực của chân lý và đức hạnh nhưng giờ bắt Phật phải phục vụ cho con người, ban ân huệ cho con người dưới góc độ con người mong muốn ở góc độ vật chất chứ không phải cái tâm hay tinh thần tối thượng của đạo Phật” - Thượng tọa Thích Đực Thiện khẳng định.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng hết sức lưu ý một số thói xấu trong sinh hoạt tại các ngôi chùa. Phật tử không nên đốt vàng mã, không nên thắp quá nhiều hương và tuyệt đối không đặt tiền lẻ lên tay tượng Phật. Đặt tiền lên tay tượng là hành động phỉ báng nhà Phật.
“Nhiều ngôi chùa hiện đã có ý thức trong việc xây dựng văn hóa Phật giáo, hướng dẫn các Phật tử cách thức lễ Phật, hướng dẫn, giải thích về giá trị của di tích. Tuy nhiên, muốn bảo tồn nét đẹp lễ chùa đầu xuân, cần sự đồng lòng của cả cộng đồng” - Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg về Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tuy nhiên, nhiều hoạt động trong văn hóa Phật giáo nói riêng, trong nghi lễ tại nơi thờ tự nói chung không thể chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật mà còn phụ thuộc vào hiểu biết, vào ý thức của mỗi người. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc vận động của MTTQ, các đoàn thể, mỗi người cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức, để nét đẹp lễ chùa đầu Xuân được vững bền.