Từ điển Larousse có loại to, loại nhỏ, xuất bản nhiều năm khác nhau, luôn được bổ sung khái niệm mới, từ mới, hiệu đính, chỉnh sửa,... nên cần có nhiều cuốn.
Đầu những năm 80 thế kỷ trước một trong các thầy cô tôi kính trọng, quý mến ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là thầy Đoàn Văn Chúc. Tôi thường qua lại nhà Thầy ở xóm bãi bên kia đê sông Hồng gần cầu Long Biên, lúc đến thăm, lúc nhờ Thầy giải thích việc nọ, việc kia. Căn nhà nhỏ của Thầy đầy ắp sách vở, trong đó có hàng chục cuốn sách bìa da nâu, dày cộp, xếp cả dãy trên giá. Nhân lúc Thầy ra ngoài, tôi lẻn tới ngó, thấy gáy sách in tiếng nước ngoài, sau biết đó là Từ điển Larousse. Tôi hỏi: “Cùng một loại từ điển thì chỉ cần một cuốn, sao Thầy có hàng chục cuốn?”. Thầy bảo Từ điển Larousse có loại to, loại nhỏ, xuất bản nhiều năm khác nhau, luôn được bổ sung khái niệm mới, từ mới, hiệu đính, chỉnh sửa,... nên cần có nhiều cuốn.
Rồi tìm hiểu tôi mới biết giá trị của Từ điển Larousse như thế nào, tuy nhiên dù được coi là một trong các chuẩn mực về từ điển, nhưng đôi lần Từ điển Larousse vẫn sai sót, nhầm lẫn, như theo tác giả An Chi thì: “quyển 10 (ấn hành năm 1963) của bộ từ điển đồ sộ Grand Larousse encyclopédique en 10 volumes đã có một cái lỗi tày đình về phía biên tập. Lỗi đó là tại mục từ “Vô Nguyen Giap” (Võ Nguyên Giáp) ở tr.894, thay vì in ảnh ông Võ Nguyên Giáp thì nhà biên tập đã cho in ảnh ông Phạm Văn Đồng với dòng chữ thuyết minh rành rọt - ngay bên dưới: “Généran Vô Nguyen Giáp”, nghĩa là “tướng Võ Nguyên Giáp”...”!
Tôi kể về thầy Đoàn Văn Chúc và Từ điển Larousse vì muốn đề cập cuộc tranh cãi quanh từ “thấu cảm” trong bài thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017. Để bác bỏ, một nhà văn bảo: “Tôi chưa bao giờ viết và gặp từ “thấu cảm”, nó không có trong từ điển tiếng Việt”, rồi phán: “Tôi cá rằng, bản thân người trưởng thành, có vốn hiểu biết cũng thấy từ “thấu cảm” rất trúc trắc, mông lung”! Một Tiến sĩ Văn học thì cho rằng “thấu cảm” chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan! Nhà văn khác sau khi “giở hết các loại: Từ điển Hán-Việt, Từ điển Trung-Việt, Đại từ điển Hán -Việt, Từ điển Tiếng Việt, Từ điển Chính tả (do Việt Nam xuất bản) đều không thấy bóng dáng từ này. Để cho chắc chắn, lại lục lọi trong “Từ hải” (biển từ), “Từ nguyên” (nguồn gốc từ) (do Trung Quốc xuất bản), rồi lại vào mạng tìm trong “Hán điển” (từ điển Hán - Hán trực tuyến) nhưng đều không có kết quả” liền kết luận đó là từ được “phịa ra”, “để lòe thiên hạ”...! Không rõ sau khi ông Phạm Văn Tình khẳng định từ “thấu cảm” đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng) từ năm 2007, kèm theo ảnh chụp trang từ điển có từ này thì mấy ông bà trên suy nghĩ sao, hay họ sẽ bảo họ không có từ điển đó, hoặc từ điển xuất bản trong Đà Nẵng nên không biết? Về phần mình, tôi ái ngại vì nghĩ thói quen nệ vào từ điển, chưa khảo sát toàn bộ từ điển liên quan đã phán xét xưng xưng,... đã đẩy mấy vị vào tình huống bi hài hiếm gặp, không chỉ cho thấy sự hời hợt, mà còn bộc lộ cả sự tự tin đến mức không biết đâu là giới hạn hiểu biết của mình!
Tôi đã cố gắng đọc, cố gắng chắt lọc giữa sự bùng nhùng quá nhiều ý kiến cảm tính hoặc uyên bác, mà không tìm ra đâu là ý kiến hợp lý có thể tham khảo. Và tôi chưa thấy ý kiến nào đã tiếp cận vấn đề từ đặc điểm, tình trạng, xu hướng vừa vận động vừa sáng tạo để bổ sung, làm phong phú vốn liếng tiếng Việt với tư cách là một sinh ngữ. Bởi chí ít quan sát trong thực tế, tôi thấy thời gian qua trong tiếng Việt xuất hiện nhiều từ ghép tỷ như: tiếp biến, phối kết, tích hợp,… và thiển nghĩ, loại từ kiểu này không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, dường như chúng là kết quả của cố gắng tìm kiếm một (các) từ có thể phản ảnh tốt nhất bản chất, tình trạng của sự vật - hiện tượng mà con người đã khảo sát, muốn diễn tả, khái quát. Lại nhớ chuyện không biết chính xác đến đâu vì tôi ghi từ trí nhớ, rằng có lần Nguyễn Tuân tỏ ra bực bội với biên tập viên tờ báo nọ sau khi người ấy sửa “phập phèo điếu thuốc” khi mô tả anh thợ vừa làm việc vừa hút thuốc lá trong bài viết của ông thành “phì phèo điếu thuốc”; vì theo Nguyễn Tuân, chỉ lúc nhàn tản, thong dong người ta mới “phì phèo điếu thuốc”, còn lúc hì hụi vừa làm vừa hút, rít hơi được hơi chăng thì phải gọi là “phập phèo điếu thuốc”!
Theo tôi, việc xuất hiện từ mới trong ngôn ngữ một cộng đồng là rất bình thường. Tuy nhiên trong các từ mới xuất hiện, chỉ từ nào có nghĩa, được số đông sử dụng, được cộng đồng thừa nhận mới có thể được lưu giữ theo thời gian. Ở đây không tính đến những khẩu ngữ thịnh hành một vài năm rồi bị thay thế, kiểu như hết xảy, hết ý, cực kỳ, hoàng tráng, hơi bị,… được sử dụng trong một số văn cảnh thường nghe khá lý thú, mổ xẻ kỹ lưỡng thì nhiều khi vô nghĩa, thậm chí buồn cười như: “Con bé ấy hơi bị xinh” chẳng hạn! Và cũng tuy nhiên, khi xem xét một từ mới xuất hiện, cần kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi kết luận, nhất là trong tiếng Việt, với các thuật ngữ khoa học, với các từ có tính khái quát. Không dám “múa rìu” qua mắt các nhà ngôn ngữ, tôi chỉ mạn phép cho rằng tính chất đơn âm của tiếng Việt đã đẩy tới tình trạng đơn nghĩa của rất nhiều từ, làm cho vốn liếng từ vựng mang tính khát quát, mang tính số nhiều trong tiếng Việt không phong phú.
Dường như để khắc phục hạn chế ấy, ngày xưa các cụ đã xây dựng nhiều từ có nghĩa, mang tính khái quát bằng cách lắp ghép, tổ chức theo nguyên tắc: 1. Kết hợp các từ khác âm đồng nghĩa, như: đồng áng, tre pheo, chó má… Trong đó, đồng và áng đều chỉ cánh đồng; tre và pheo đều chỉ cây tre; chó và má đều chỉ con chó... Theo nghĩa này, việc đồng áng không dùng để chỉ một việc cụ thể, đó có thể là cày bừa, làm cỏ, phát bờ, nhổ mạ, có thể là cấy, gặt,...; tre pheo không dùng để chỉ cây tre nào cụ thể; và tương tự, chó má cũng không dùng để chỉ một con chó cụ thể. 2. Kết hợp các từ khác âm khác nghĩa, như: đi đứng, ăn uống, nhà cửa,… thành những từ có nghĩa, cho dù đi khác với đứng, ăn khác với uống, nhà khác với cửa...
Các từ loại này thường không hướng về một nội dung cụ thể, rạch ròi, chúng có tính “số nhiều” và đến nay, chỉ những người làm ngôn ngữ học mới quan tâm tìm hiểu chúng có nguồn gốc Việt - Mường, Môn - Khmer hay Tày-Thái,… còn số đông sử dụng thì hầu như lại không chú ý xem chúng được tổ chức như thế nào. Với một số từ gốc Hán cũng vậy, có thể phê phán nhầm lẫn giữa bàng quan với bàng quang, nhưng xem ra các nhà ngôn ngữ sẽ bất lực khi muốn lý giải vì sao khốn nạn trong tiếng Việt ngày nay lại chuyển tải một nội dung hoàn toàn xa lạ với khốn nạn trong tiếng Hán là “khó khăn”. Hoặc thi thoảng có người “dọn vườn” tác giả này tác giả kia không hiểu “cứu cánh” là “mục đích cuối cùng”! Vậy nhưng “cứu cánh” không theo nghĩa “mục đích cuối cùng” vẫn hiên ngang đó đây, cứ đà này, liệu sẽ có một ngày nào đó, “cứu cánh” là… “cứu cánh” sẽ giữ vị trí ưu thắng?
Còn với các từ như chiều kích, tiếp biến, phối kết... Thường thì chiều kích được hiểu như là kết quả của sự lai ghép “chiều hướng + kích thước”, tiếp biến được hiểu như là kết quả của sự lai ghép “tiếp nhận + biến đổi”, phối kết được hiểu như là kết quả của sự lai ghép “phối hợp + kết hợp”... Tôi sử dụng những từ này vì thấy chúng có khả năng chuyển tải điều tôi muốn trình bày. Tự lý giải là xưa nay, người ta thường sử dụng một “lôgich cổ điển” để xem xét sự vật - hiện tượng theo lối “hoặc A, hoặc B”, nhưng trên thực tế lại có những sự vật - hiện tượng mà bản thân chúng là một thể thống nhất không thể tách rời, do đó cần nhìn nhận theo “logic phi cổ điển” là “vừa A vừa B”.
Chẳng hạn, tiếp nhận và biến đổi trong văn hóa thường không diễn ra theo hai giai đoạn có thể chia cắt rạch ròi theo quá trình: tiếp nhận trước, biến đổi sau; mà tiếp nhận và biến đổi diễn ra hầu như đồng thời, cùng lúc, khó có thể tiếp cận theo quá trình trước - sau. Người nghiên cứu có thể xem xét, phân tích sự tiếp nhận, biến đổi một cách độc lập, song sau đó vẫn phải đưa tiếp nhận, biến đổi về với chỉnh thể của chúng là sự tiếp biến; và từ tiếp cận này có thể đánh giá quá trình nhận thức, phát triển của văn hóa. Tương tự, có thể phân tích giá trị vật chất, giá trị thẩm mỹ của một chiếc bình quý, nhưng trên thực tế thì giá trị vật chất, giá trị thẩm mỹ của chiếc bình lại thống nhất, kết hợp với nhau để tạo nên tổng thể giá trị của chiếc bình... Theo tôi “thấu cảm” cũng thuộc tình huống trên, nếu hiểu thấu cảm là sự kết hợp giữa thấu hiểu và đồng cảm (tôi nghiêng về nghĩa đồng cảm hơn là nghĩa thông cảm) sẽ thấy nhận thức và thái độ nhận thức đã kết hợp và đã diễn ra đồng thời trong con người như thế nào.
Sự xuất hiện một số từ mới trong đời sống là điều bình thường. Với một số trường hợp, cần coi sự xuất hiện đó là kết quả của quá trình con người nhận thức - sáng tạo để tìm ra ngôn từ có khả năng chuyển tải tốt nhất nội dung muốn phản ánh; và các từ ra đời từ ý muốn chủ quan của cá nhân, nếu không được cộng đồng thừa nhận cũng sẽ biến khỏi đời sống. Ngôn ngữ luôn phát triển và từ giới hạn thời gian của các từ điển, không phải khi nào một từ mới xuất hiện cũng sẽ có mặt trong từ điển. Do đó đừng tự biến mình thành “nô lệ” của từ điển (như triết gia Lusien Seve từng khuyên đừng tự “nhốt mình vào cái rọ của các khái niệm”), rồi vì không thấy một từ nào đó trong từ điển là đã vội vã phủ nhận. Nếu cầu thị và thiện chí, khi quan tâm tới một từ mới cần phân tích chỉ rõ chính xác hay không chính xác, có nghĩa hay không có nghĩa, hay hay dở, cần hay không cần,... và nên chú ý đến tình trạng “Việt hóa” một số từ nước ngoài để không sa đà bắt bẻ rằng tiếng Hán thế này, tiếng Anh thế kia, tiếng Pháp thế nọ...!