Đề nghị thầy giáo cho biết để học xong quyển sách đàn này cần bao nhiêu thời gian? Ông bố giơ quyển sách đàn lên trước mặt thầy giáo, hỏi rất nghiêm túc.
Thầy giáo trẻ lúng túng trả lời: Nhanh hay chậm tùy vào khả năng nhận thức của mỗi trẻ… Ông bố dường như không hài lòng với câu trả lời, truy đến cùng:
- Cụ thể với con nhà tôi thì cần mất bao lâu? Tôi thấy cháu tập quyển này rất lâu rồi mà chưa xong.
- Cháu nhận thức cũng nhanh so với lứa tuổi, nhưng do còn nhỏ nên tay điều khiển chưa thành thạo như các anh chị lớn. Tôi nghĩ với khả năng của cháu khoảng 3 đến 4 tháng có thể xong cuốn này.
- Lâu thế à? thôi được, cứ tạm cho là 4 tháng.
Ông bố nói và quay sang cô con gái bên cạnh nhắc nhở: Cho con thời hạn lâu nhất là 4 tháng, phải chăm chỉ luyện tập chứ có mỗi quyển sách học cả nửa năm không xong, bố mẹ đã đầu tư mua đàn cho con cả mấy chục triệu mà học không đâu vào đâu…
Chứng kiến toàn bộ cuộc đối thoại của phụ huynh với thầy giáo, tôi cũng thấy ái ngại. Khi vị phụ huynh này về, tôi vội nói với thầy giáo:
- Gia đình tôi không cần cháu đánh nhanh, đánh được bài này, bài kia ngay để biểu diễn. Mong thầy quan tâm để sửa tư thế tay, dáng ngồi và các chi tiết cụ thể khác sao cho thật đúng bài bản. Cháu còn nhỏ, không vội…
- Vâng, tôi hiểu.
Và buổi học đàn của con gái tôi hôm ấy cũng như tất cả các buổi sau này, tôi thấy thầy rất chú ý để sửa các động tác cho con, không còn bị chạy số lượng kiểu mỗi ngày phải học hết 1 bài như các buổi trước đó.
Để thấy rằng, có lẽ thầy đã rất áp lực khi nghĩ rằng phụ huynh nào cũng mong con tiến bộ theo kiểu mỗi ngày có thể biết đánh thêm 1 bài hát mới chứ không phải là con cảm nhận âm nhạc ra sao.
Trò chuyện với nhiều thầy cô giáo dạy các môn được coi là ngoại khóa trong dịp hè này ở một số trung tâm mà tôi tìm hiểu để định cho con gái đang theo học, mới thấy áp lực các bậc phụ huynh đang đặt lên trung tâm, lên thầy cô giáo và chính con cái họ là rất lớn.
Chẳng hạn, có chị phụ huynh than thở với tôi, đã bỏ ra 21 triệu đồng cho 1 khóa học tiếng Anh cho con trong 9 tháng mà kết quả thu về, con chỉ biết thêm có 48 từ mới. Trong khi, với số tiền ấy, ở nơi khác con đã học xong cả cuốn sách!
Một người hàng xóm khác khi biết con tôi đi học đàn, buổi nào về cũng hỏi thăm cháu đã đánh được bài gì. Khi tôi nói con mới biết được các nốt nhạc, rồi đánh từng tay, đánh từng đoạn nhạc rất ngắn… thì họ nói đại ý là tôi quá dễ dãi với trung tâm..!
Mùa hè là thời gian nở rộ các khóa học các kỹ năng sống. Số tiền bỏ ra từ vài trăm cho đến hàng chục triệu đồng và rất nhiều phụ huynh kỳ vọng, sau 1 khóa học như thế, những đứa trẻ bỗng trở nên hiểu biết, nghe lời bố mẹ.
Hay sau khi tham gia trại hè tiếng Anh con gặp người nước ngoài là tự tin bắn tiếng Anh như gió dù trước đó trên lớp con chủ yếu học ngữ pháp, chẳng thấy khi nào nói một câu ngoại ngữ…
Đắt xắt ra miếng đã đành. Nhưng không phải cứ bỏ nhiều tiền ra để cho con theo học một môn gì đó là có thể giỏi ngay lập tức bởi khả năng lĩnh hội của mỗi đứa trẻ là khác nhau.
Càng không thể đặt mục tiêu chỉ sau 1 vài khóa học là con có thể tiến bộ rõ rệt luôn. Và những mốc này, với mỗi đứa trẻ là không hề giống nhau.
Thiết nghĩ, nóng vội và không ảo tưởng về khả năng của con là điều các bậc phụ huynh phải luôn luôn tâm niệm.