Theo kế hoạch, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) sẽ đăng ký xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2022, sau 2 năm đón nhận bằng công nhận “xã đạt chuẩn NTM”. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của địa phương này đang gần như bị “phá sản” khi ngập trong nợ nần và vướng cơ chế hỗ trợ. Đây là những khoản nợ công trước đó mà xã đã nợ các nhà thầu từ khi bắt tay vào xây dựng NTM.
Bức tranh màu tối
Trên tỉnh lộ 512 - con đường chạy qua xã Thăng Bình rộng chừng 3m, 2 bên là phần lề đường, mỗi bên rộng khoảng 1m đã bị xuống cấp, mặt đường giăng “thiên la địa võng” những “ổ trâu, ổ voi” ngập bùn đất, lầy lội. Mỗi khi có xe ô tô tải chạy qua, người đi cùng chiều và ngược chiều đều phải dừng xe và nép sát về phía lề đường để tránh nước bùn đất văng lên.
Sau những ngày mưa liên tục, đoạn đường trở nên lầy lội, trơn trượt. Có chỗ, lớp bùn đất đã dày lên đến 40-50 cm so với mặt đường khiến các phương tiện hầu như không thể đi qua được.
2 bên đường, những tuyến đường nội thôn nối với trục chính cũng nằm trong tình trạng không khá hơn là mấy. Cứ nhìn vào thực trạng này, không ai có thể nghĩ, Thăng Bình là xã đã về đích NTM.
Anh M. - một người dân trú tại thôn 7, xã Thăng Bình bức xúc cho biết: Tuyến đường vốn đã xuống cấp và hư hỏng từ lâu nhưng không được tu sửa. Cử tri địa phương cứ hi vọng sau khi xã bắt tay vào xây dựng NTM và về đích, tình hình sẽ được cải thiện, nào ngờ mọi việc cứ dần tệ hại hơn. Hàng đoàn xe tải lớn chở đất san lấp mặt bằng chạy rầm rập qua các tuyến đường của xã bất chấp ngày đêm. Đường sá vì thế mà càng thêm hư hỏng nặng.
Ông Vũ Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Thăng Bình, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp, hư hỏng này là do thời gian qua xe tải chở đất từ xã lân cận phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam chạy qua xã Thăng Bình.
Ban 2 - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã làm việc với Sở GTVT Thanh Hóa và UBND huyện Nông Cống để ký biên bản mượn đường và cam kết mượn đường thi công phải đảm bảo giao thông cho người dân đi lại bình thường.
“Cam kết là vậy nhưng chưa biết khi nào họ mới hoàn trả cho địa phương. Trong khi đó, nguồn lực của xã để tu sửa là không đủ. Ngay cả một số tuyến thuộc đường của xã, chúng tôi còn chưa có kinh phí để làm mới!” - ông Thiện phân trần.
“Đếm cua trong lỗ”
Có thể nói, với một xã thuần nông như Thăng Bình, việc hoàn thành Chương trình xây dựng NTM đã là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân. Tuy nhiên, để về đích Chương trình NTM, xã đã phải gánh lên mình những khoản nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết số nợ này đều là nợ các nhà thầu xây dựng công trình của xã.
Ông Vũ Hữu Thiện cho biết thêm, tính đến cuối năm 2021, xã còn nợ nhà thầu công trình với số tiền lên đến 28 tỷ đồng. Nhà thầu gây sức ép trả nợ bằng cách “dọa” đóng cửa công sở mới, xã mới thanh toán cho nhà thầu được một nửa con số này vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do chính quyền không bán được 43 lô đất quy hoạch như dự kiến.
“Với số nợ còn lại, chúng tôi dự định sẽ trả hết trong các năm 2022 - 2023, năm nay sẽ trả 25% và số còn lại sẽ trả hết trong năm 2023, nguồn sẽ được lấy từ tiền bán đấu giá 150 lô đất ở (năm 2022 xã được quy hoạch bán 100 lô, đến năm 2023 là 50 lô). Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bán được hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác” - ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, sau khi về đích Chương trình NTM vào năm 2020, xã cũng dự định sẽ đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu nhưng tất cả những dự định này đều phải dừng lại do nợ và xã không còn nguồn để đầu tư.
Theo tính toán của ông Thiện, để xây dựng NTM nâng cao, xã còn một số hạng mục chính cần phải hoàn thiện như: Sân bóng đá (gần 8 tỷ đồng), xây mới chợ nông thôn (10 tỷ đồng), đường giao thông trong xã (10 tỷ đồng), kênh mương nội đồng mới kiên cố hóa được một phần. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ của huyện là rất thấp, đồng thời theo quy định mới, xã chỉ được giữ lại 25% kinh phí từ số tiền bán đất.
“Nếu vẫn còn cơ chế địa phương được giữ lại 80% tiền bán đất như từ năm 2021 về trước thì chúng tôi còn có thể cố sức làm. Chứ như hiện nay thì đành chịu. Cứ ví dụ thế này, để làm sân bóng của xã, chúng tôi phải đầu tư hết 7,8 tỷ đồng, huyện chỉ hỗ trợ được 2 tỷ đồng, gần 6 tỷ đồng còn lại xã phải tự lo. Trong khi đó, tiền bán đất xã chỉ được trích lại 25%. Vậy số tiền còn lại chúng tôi biết lấy từ đâu?
Theo tính toán, toàn bộ số đất bán được trong năm nay và năm sau chỉ đủ để trả hết số nợ trước đó mà xã đã nợ nhà thầu! Nếu cố làm chỉ gánh thêm nợ! Chính vì thế nên trong cuộc họp Thường vụ cuối năm, tôi đã thẳng thắn đề nghị, dừng triển khai đầu tư tất cả các công trình đã dự kiến. Nếu vẫn gắng xây dựng NTM nâng cao thì phải chờ cơ chế hỗ trợ mới từ huyện” - ông Thiện nói.