Được gặp Bác Hồ - Niềm hạnh phúc của tôi

17/01/2017 08:35

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa ngày nay. Hồ Chí Minh là kiến trúc sư và linh hồn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Được gặp Người là ước vọng, niềm vinh dự và nguồn hạnh phúc của mọi người Việt Nam yêu nước. Tôi là một trong số những người có được hạnh phúc đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời khai mạc Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960). (Ảnh: tư liệu).

Trong bài viết này, tôi muốn kể lại những lần được gặp Bác vào dịp Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ ba của Đảng ta diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960 tại thủ đô Hà Nội.

Hồi đó tôi đang là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Một hôm, vào cuối tháng 6 tôi được lãnh đạo nhà trường gọi lên thông báo quyết định: Bàn giao công việc đang làm, được nghỉ phép một tuần để sau đó đi nhận công tác đặc biệt.

Hết thời gian nghỉ phép, tôi khoác ba lô, đạp xe đến địa điểm ghi trong giấy triệu tập. Đó là khu nhà số 8 và số 10 đường Chu Văn An hiện nay.

Sau ít ngày ổn định tổ chức và học tập nội quy, mọi người chúng tôi mới biết là mình được điều đi phục vụ Đại hội III của Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần lượt lên lớp cho chúng tôi về tình hình thế giới và trong nước. Trong số những báo cáo viên có đồng chí Trần Quốc Hoàn – Bộ trưởng Bộ Công an nói về tình hình trật tự trị an và âm mưu của địch chống phá ta. Đồng chí “Sao Đỏ” tức Nguyễn Lương Bằng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên Xô giới thiệu thành tựu mọi mặt của Liên bang Xô viết và phong cách tiếp tân, thái độ phục vụ khách quốc tế cũng như một số thủ tục, ghi thức ngoại giao v.v…

Đại sứ ta tại Trung Quốc nói về quan hệ ta – bạn; về sự giúp đỡ to lớn của bạn đối với cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Ung Văn Khiêm – Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương trình bày tình hình quốc tế và đường lối đối ngoại của Đảng ta.

Chúng tôi sáng lên lớp, chiều thảo luận tổ, tối viết thu hoạch. Gần một tháng miệt mài học tập trôi qua. Bỗng vào một buổi sáng, Bác Hồ bất ngờ đến thăm lớp. Đi cùng Bác có anh Lê Văn Lương -Trưởng Ban Tổ chức Đại hội.

Vẫn bộ áo nâu sồng quen thuộc và đôi dép “Bình Trị Thiên khói lửa”, Bác hòa vào giữa đám đông trong những tiếng hò vang và những đợt vỗ tay không ngớt. Bác khen chúng tôi học tập tốt, Bác mong chúng tôi phục vụ Đại hội thật tốt. Bác nói:

Đại hội này là đại hội của một nửa đất nước được giải phóng với số đại biểu đông nhất từ ngày thành lập Đảng đến nay, cả đại biểu trong nước cũng như khách quốc tế. Đại hội sẽ tổng kết 30 năm xây dựng Đảng và quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước. Đó là đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Bác nhắc nhở anh chị em chúng tôi phục vụ các đại biểu nói chung, khách nước ngoài nói riêng phải hết sức chu đáo, trọng thị và thân tình. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác động viên:

“Mới ra khỏi chiến tranh, đất nước ta còn nghèo về vật chất. Ta lại chưa quen đón khách quốc tế và thiếu kinh nghiệm về lễ tân, Bác chắc chắn bạn sẽ thông cảm với ta”.

Học tập xong chính trị, tôi được Ban tổ chức phân công cùng anh Đậu Ngọc Xuân và anh Trịnh Ngọc Thái(1) phụ trách bộ phận phiên dịch các văn kiện và dịch hội trường.

Theo quyết định của Ban Tổ chức Đại hội: Anh Xuân phụ trách chung, anh Thái lo khâu tổ chức và tư tưởng, còn tôi nhỏ tuổi hơn lo khâu hậu cầu. Vì lo khâu hậu cần nên tôi thường được họp với Ban tổ chức. Và cũng vì vậy, có nhiều dịp được gặp Bác Hồ.

Bộ phận phiên dịch được tổ chức thành 5 tổ: Tổ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha. Trừ hai tổ tiếng Pháp và tiếng Anh gồm hầu hết là các chuyên gia giỏi như các Giáo sư Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Chương v.v… các tổ còn lại hầu hết là lớp trung niên và trẻ, thâm niên trong nghề chưa nhiều. Vì vậy, Trung ương đã mời và bổ sung cho những tổ này một số chuyên gia phiên dịch người Nga, Trung Quốc, Cuba.

Vất vả nhất, mệt nhất đối với đội ngũ phiên dịch chúng tôi là những ngày gần kề Đại hội và trong thời gian tiến hành Đại hội. Lúc đó, các đoàn đại biểu nước ngoài mới đến, mới có bài để dịch. Mà nhiều đoàn lại không đưa ngay, chờ nghe diễn văn khai mạc, báo cáo chính trị của chủ nhà, thậm chí nghe phát biểu của các đoàn bạn mới hoàn chỉnh bài phát biểu của mình, và chỉ đưa cho bộ phận phiên dịch vào giờ chót.

Hình như thông cảm với những khó khăn của bộ phận dịch viết, đêm mồng 6/9, chỉ một ngày sau khi Đại hội khai mạc, Bác bất chợt đến thăm chúng tôi. Cùng đi có các anh Lê Văn Lương, Tố Hữu, Ung Văn Khiêm. Hôm đó Bác rất vui. Câu đầu tiên là Bác khen các bản dịch chính xác, diễn đạt sát ý, văn phong tốt. Bác thưởng mỗi người một điếu thuốc lá thơm. Bỗng Bác quay sang Giáo sư Phạm Huy Thông nói vui: “Đúng chú này mũi nhòm mồm” thật, nên Văn kiện viết: Trong kế hoạch 5 năm 1961 – 1965 sẽ xây dựng 400 nhà bếp (tiếng Pháp usine là nhà máy, do đánh máy nhầm thành cuisine là nhà bếp). Mọi người rất vui về nhận xét hóm hỉnh của Bác. Bác quay sang hỏi anh Lương:

- Tiêu chuẩn ăn hàng ngày của các cô, các chú phiên dịch là bao nhiêu?

- Thưa Bác là 5kg gạo(2) – Anh Lương thưa.

- Còn tiêu chuẩn đại biểu Đại hội?

- Thưa Bác là 10kg.

Bác góp ý ngay với anh Lương:

- Các cô, các chú dịch văn kiện làm ngày, làm đêm mà lại chỉ được hưởng bằng một nửa tiêu chuẩn của đại biểu là không công bằng. Bác đề nghị chú cần sửa ngay.

Và thế là từ hôm sau, ngoài ba bữa chính ăn như đại biểu, anh Lương còn chỉ thị cho bộ phận hậu cần bổ sung “suất bồi dưỡng ca đêm” vào lúc 12 giờ khuya kèm theo cà phê và thuốc lá cho các anh nghiện.

Một bài học sâu sắc, một kỷ niệm để đời về tôn trọng phụ nữ mãi mãi in đậm trong tôi. Đó là khi chụp ảnh xong với các đoàn đại biểu, Bác sang chụp ảnh với anh, chị em phục vụ. Bác nhắc nhở anh em nam giới chúng tôi lùi lại hàng sau, mở lối cho các chị nữ tiến lên hàng trước, đặc biệt hai nữ phiên dịch người Nga được ngồi gần Bác.

Đến lượt đoàn đại biểu dân tộc thiểu số được chụp chung với Bác. Do nhiều đại biểu lần đầu được thấy Bác, nên anh em bỏ hàng ngũ đã xếp sẵn, ùa đến vây quanh Bác, anh Chu Văn Tấn lúc đó rất lúng túng. Anh Lê Văn Lương gọi tôi đến giúp một tay. Ổn định hàng ngũ xong, tôi chạy đi thì được Bác gọi lại và bảo anh Tấn nhích gần lại Bác để tôi ngồi cạnh anh.

Chụp ảnh xong, Bác hỏi tôi:

- Cháu dân tộc nào?

- Thưa Bác cháu dân tộc Kinh. Tôi thưa, Bác cười:

- Bác nghĩ cháu là dân tộc thiểu số. Sao da cháu nâu thế?

- Thưa Bác mấy tuần nay cháu phải chạy nhiều việc nên da bắt nắng.

- Thế cháu làm việc ở đâu. Đã có gia đình chưa?

- Thưa Bác, cháu dạy ở Trường đại học Bách Khoa, mới có người yêu.

Bác nhắc anh Lương cho tôi thêm một giấy mời để đưa người yêu đi dự Lễ chào mừng thành công Đại hội được tổ chức vào tối ngày 10-9 tại sân vận động Hàng Đẫy.

***

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, từ một thanh niên chưa vợ, nay đã được xếp vào lớp người “xưa nay hiếm”, đã con đàn, cháu đống, đã có trên nửa thế kỷ đứng trong hàng ngũ của Đảng, song mỗi lần vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng, sinh nhật Bác hoặc Đại hội Đảng, tôi lại càng nhớ Bác da diết.

Một bài học sâu sắc, một kỷ niệm để đời về tôn trọng phụ nữ mãi mãi in đậm trong tôi. Đó là khi chụp ảnh xong với các đoàn đại biểu, Bác sang chụp ảnh với anh, chị em phục vụ. Bác nhắc nhở anh em nam giới chúng tôi lùi lại hàng sau, mở lối cho các chị nữ tiến lên hàng trước, đặc biệt hai nữ phiên dịch người Nga được ngồi gần Bác.

Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

______________________

(1) Sau này anh Đậu Ngọc Xuân là Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Anh Trịnh Ngọc Thái là Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đại sứ nước ta tại Pháp.
(2) Thời đó, tiêu chuẩn tính theo gạo, 1kg gạo là 4 hào

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Được gặp Bác Hồ - Niềm hạnh phúc của tôi