Khi gió mùa vẫn thao thiết thổi dọc các eo biển miền Trung, về những xóm làng quanh ngọn núi Chóp Chài thì miền hoài niệm trong tôi lại được đánh thức mạnh mẽ. Ở đó, tình người chan hòa. Vùng đất này còn gắn với rất nhiều chiến tích, nhất là 3 lần cam go, nghẹt thở giải thoát cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, vị Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Núi Chóp Chài.
Khát vọng những mùa xuân yên bình
Quanh ngọn núi Chóp Chài là 2 xã Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9 (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Đã nhiều chục năm trôi qua, nhưng khi được khơi lại chuyện, ông Lê Hưng đã bước sang tuổi 85, một trong những người thông tỏ nhiều dấu tích lịch sử ở Bình Kiến vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng. Ông tự hào khó có mảnh đất nào đậm nghĩa tình và kiên trung như vùng đất này. Mỗi người đều sống vì nhau, sướng khổ cũng vì nhau.
“Ở đâu không biết chứ ở Bình Kiến, Hòa Kiến nhà này đau là nhà khác ngủ không yên. Có những mùa xuân thời chiến, chia sẻ nhau từng nắm cơm, nắm lạc rang, cục lương khô nhưng vẫn ấm áp lạ thường”- ông Hưng nói.
Cũng bởi lòng hy sinh vì nhau, khát khao cống hiến cho cách mạng nên những người dân quanh núi Chóp Chài vẫn tạc ghi vào kí ức của mình hình ảnh những bà mẹ tần tảo, thủy chung, cam chịu, chắt chiu như mẹ Nguyễn Thị Mẽo.
Thời chiến, có hai người con trai nhưng mẹ Mẽo vẫn quyết chí cho các con đi theo cách mạng. Ở nhà, không quản ngày đêm, dù mưa xối xả hay ngày xuân gió lùa, mẹ Mẽo vẫn đào hầm che giấu bộ đội, che giấu các con mình. Ngày các con của mẹ bị địch bắt và bắn, lòng mẹ đau như cắt nhưng đành nuốt nước mắt vào trong. Mẹ và những người dân Chóp Chài biết, sự hy sinh ấy là để có những mùa xuân yên bình hơn.
Hình ảnh của mẹ Trần Thị Mực (thôn Liên Trì cũ) cũng như một biểu tượng cảm động về người phụ nữ kiên trung. Sức yếu nhưng mẹ Mực vẫn động viên cả bốn người con tham gia cách mạng còn bản thân mẹ ở nhà ngày cũng như đêm đào đất, khoét đá làm hai chiếc hầm bí mật cho bộ đội của ta. Ước vọng cháy bỏng của mẹ là đất nước có những mùa xuân tươi đẹp, các gia đình ấm no, không lo giặc càn.
Không chỉ các mẹ Mực, Mẽo mà nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng một lòng cống hiến vì cách mạng, như bà Nguyễn Thị Điểm, ông Nguyễn Lên, Nguyễn Thiện, Nguyễn Đình Quý…cũng dốc hết sức lực tiếp tế cho bộ đội, đào hầm che dấu cán bộ cách mạng bằng tinh thần sẵn sàng hy sinh chứ kiên quyết không để cho giặc càn quét quê hương, đất nước.
Anh Nguyễn Hữu Thi, con ông Lên bộc bạch, vì người khác, vì cách mạng như mạch nước mát ngấm sâu vào tiềm thức mỗi người chúng tôi ở vùng đất này.
Một trong những dấu son ghim sâu vào kí ức những người dân Phú Yên, đặc biệt là những người sinh sống quanh núi Chóp Chài đó là ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại Tuy Hòa.
Trung ương Đảng giao Đảng bộ Phú Yên giải thoát cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đó là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Sau hai lần giải thoát bất thành, đến cuối tháng 10/1961, lực lượng cách mạng của Phú Yên mới hoàn thành nhiệm vụ và bí mật đưa Luật sư đi qua những con đường mòn quanh núi Chóp Chài về căn cứ an toàn sau đó vào Nam Bộ.
Những căn dặn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về việc tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, của cách mạng đến nay vẫn in đậm trong trí nhớ của nhiều quân dân Phú Yên, nhất là những người dân quanh Chóp Chài.
Ít lâu sau, Đài phát thanh Giải phóng thông báo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Người Chóp Chài trong lễ hội truyền thống.
Đùm bọc nhau là hạnh phúc
Những mùa xuân hòa bình, ấm no rồi đã đến. Cùng cả nước, người Chóp Chài vào công cuộc kiến thiết quê hương. Xóm làng thay da đổi thịt, cuộc sống người dân ngày một khá lên.
Ông Hưng tuổi đã cao, nhưng mấy chục năm ròng là một trong những người xông xáo trong cách làm ăn mới. Ông nói, các thế hệ trước đã hy sinh nhiều rồi thì giờ mình phải kiến tạo chứ! Nhà nhà kiến tạo, làm ăn. Nhà giàu thì giúp đỡ nhà nghèo cùng vươn lên. Không chỉ ở thôn này mà ở hầu hết làng khác, khi thấy có người hoạn nạn luôn sẵn sàng giúp đỡ ngay.
Dẫu trải qua bao thăng trầm, có lúc làng chìm trong khó khăn, mất mùa, thiên tai địch họa, ấy thế nhưng không có một người nào nảy sinh ý đồ xấu là đi trộm cắp hay làm việc phi pháp. Mỗi xóm làng chúng tôi đều cam kết phải đùm bọc nhau. Những ngày xuân chính là lúc tìm đến nhau ôn lại những ngày cũ và cùng đặt ra những dự định mới.
Cũng giống như ông Hưng, ông Trần Văn Chín ở thôn Phú Vang tâm tình, nếu sống ích kỷ, khư khư chỉ biết mình thì không xứng là cư dân dưới chân Chóp Chài. Làng nào hàng năm cũng có các cháu đỗ đại học điểm cao và không có ai khổ nữa vì phong trào san sẻ lẫn nhau đấy.
Quanh núi Chóp Chài, những cứ địa cách mạng xưa như Phước Hậu, Thanh Đức, Đồng Màng… giờ đã thành những cánh đồng trù phú, màu xanh mướt trải dài. Trước thềm xuân, nông dân cự phách Trần Nhất Hải ở xã Hòa Kiến tâm sự, tôi học kỹ sư rồi về làm nông, năng suất cao lắm. Hướng dẫn bà con cùng làm luôn. Thấy tất cả cùng no ấm lên là trong lòng chộn rộn niềm hạnh phúc rồi.
Lạ lắm, ở vùng đất này, chẳng ai bảo ai đâu mà mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, họ lại tìm đến nhau bằng sự sẻ chia, trợ giúp mà chẳng hề có một toan tính gì. Từ thuở lọt lòng, đám trẻ chúng tôi đã được những người lớn tuổi trong làng dạy cách nhường nhịn nhau rồi, kể cả những người qua đường.
In đậm trong trí nhớ của mình, như chuyện mới hôm qua, Nguyễn Quốc Bình bộc bạch, mình là thanh niên, cách đây hơn một năm có hai người Hà Nam đi “phượt” đến đây bị tai nạn. Người dân quanh Chóp Chài chăm sóc tận tình cho đến khi bình phục hẳn và còn góp thêm tiền cho hai người ấy về quê ăn Tết nữa. Ai cũng nghĩ việc làm này như một lẽ đương nhiên.
Trong những đêm quây quần bên nhau để nói về những điều đẹp đẽ nhất, bình yên nhất trong cuộc sống cho những người trẻ, nhiều người già ở Bình Kiến tâm tình rằng, thời bình, việc xây dựng khối đại đoàn kết trong khu dân cư cũng rất quan trọng. Bởi khi đó thì không có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được.
Chia tay những làng mạc quanh núi Chóp Chài khi nắng chiều dần tắt, mới thấy đẹp làm sao những ngôi làng nhỏ bé miền Trung. Những ngôi làng bình dị như bao ngôi làng trên đất nước này, với những con người chan chứa nghĩa tình...
Ở vùng đất này, chẳng ai bảo ai nhưng mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, họ lại tìm đến nhau bằng sự sẻ chia, trợ giúp mà chẳng hề có một toan tính gì. Từ thuở lọt lòng, đám trẻ chúng tôi đã được những người lớn tuổi trong làng dạy cách nhường nhịn nhau rồi, kể cả những người qua đường. Cách đây hơn một năm có hai người tận Hà Nam đi “phượt” đến đây bị tai nạn. Người dân quanh Chóp Chài chăm sóc tận tình cho đến khi bình phục hẳn và còn góp thêm tiền cho hai người ấy về quê ăn Tết nữa. Ai cũng nghĩ việc làm này như một lẽ đương nhiên.