“Đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn để trở thành con hổ thứ 5 của châu Á”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp tổng kết năm của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối tuần qua.
Số hóa sẽ đem tới tốc độ phát triển cao của nền kinh tế. Ảnh: VGP.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng đặt câu hỏi: Sau “4 con hổ của châu Á, liệu Việt Nam có trở thành con hổ thứ 5 hay không”? và theo Thủ tướng chúng ta sẽ làm được điều đó. Lý giải, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam ta có biểu tượng chim Lạc trong truyền thuyết con cháu Lạc Hồng. Hổ thì khỏe hơn, chạy tốc độ cao hơn, nhanh hơn; còn chim sức yếu hơn, chậm hơn nhưng về đích nhanh hơn hổ vì đường chim bay bao giờ cũng ngắn, thông thoáng, linh hoạt hơn đường bộ. Nhưng để chim Lạc trong truyền thuyết có thể cất cánh thì đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại. Đó phải là đường bay chứ không phải lối mòn. Theo Thủ tướng, đó cũng là một lý do để Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, khi cuộc cách mạng số, cánh mạng công nghiệp 4.0 diễn ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.
Sẽ không đi theo lối mòn, Chính phủ quyết chọn đường tắt bằng việc coi kinh tế số là động lực, thực sự thời gian qua Chính phủ đã và đang hiện thực hóa điều này. Cụ thể trong năm qua, cơ quan đảm trách nhiệm vụ số hóa nền kinh tế là Bộ TTTT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Việc tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải đổi mới, phải hiện đại hóa. Bởi sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử. Việt Nam hiện cũng đã là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G. Việc thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa năm 2020, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm hay 8 năm như đối với 3G, 4G nữa.
Công cuộc số hóa nền kinh tế đã được triển khai từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong năm 2019. Việc Chính phủ cho vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia để tiến tới một nền hành chính không giấy tờ chính là câu trả lời mạnh mẽ nhất của Chính phủ trong việc vận hành chính phủ điện tử trong toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Hay như việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến, việc gửi văn bản điện tử qua hệ thống E-cabinet (hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) mà không phải tốn nhiều thời gian như trước đây cho thấy chúng ta đã và đang bước sang một giai đoạn mới để thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế số.
Số hóa nền kinh tế không chỉ được làm mạnh mẽ ở khối các cơ quan hành chính nhà nước. Những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghệ số xuất hiện ngày càng nhiều, việc phổ cập công nghệ số đã là câu trả lời mạnh mẽ nhất rằng Việt Nam đã sẵn sàng để số hoá nền kinh tế. Tất cả những sự sẵn sàng, các động thái từ cơ quan cao nhất đến người dân đưa ra một thông điệp: Chúng ta đã sẵn sàng bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của nền kinh tế số để có thể vươn mình lớn dậy.
Để chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu, năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, và Bộ TTTT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng và đưa thứ hạng của chính phủ điện tử lên cao hơn trước. Năm 2020, chúng ta sẽ đăng cai tổ chức triển lãm số thế giới, sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới, do Liên minh Viễn thông thế giới thuộc Liên hợp quốc tổ chức với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Tất cả những việc làm này để chứng tỏ Việt Nam đang dần từng bước nói không với cái cũ, tìm cho mình một hướng đi mới trong cuộc cạnh tranh giành thứ hạng cao trong khu vực.
Để Việt Nam hóa rồng, hóa hổ, nhiều ý kiến cho rằng, cần tầm nhìn sáng suốt của lãnh đạo với những quyết định sáng suốt, mạnh dạn cải cách và đổi mới, vượt lên các quan niệm không phù hợp. Cần xây dựng bộ máy quản trị hiệu quả, bởi điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đất nước. Quyết sách đúng và sáng suốt nhưng không có bộ máy hiệu quả thì không thể đưa quyết sách đó vào thực tiễn. Và điều đó cũng có nghĩa là phát huy tối đa năng lực, nguồn lực của nhân dân, cùng chung sức dựng xây, phát triển đất nước.