Đương đầu với đại dịch Covid-19 - Bài cuối: Đi vào tâm dịch

Việt Hà 27/02/2021 08:39

Khi Covid-19 biến những vùng quê yên ả thành điểm nóng, rất nhiều y bác sĩ gấp rút được điều động vào tâm dịch. Những bữa cơm vội vã, những ca trực kiệt sức, cả giấc ngủ tạm trên băng ghế… hình ảnh những “chiến sỹ áo trắng” xả thân trong dịch bệnh đang đẹp hơn bao giờ hết.

Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn.

3 lần xung phong vào điểm nóng

18h tối ngày 29/1, khi ổ dịch ở Chí Linh (Hải Dương) bắt đầu diễn biến phức tạp, nhận lệnh điều động, Bạch Văn Hoàn - Điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Bạch Mai) chỉ kịp chuẩn bị vài bộ quần áo, nhảy lên xe, 2 tiếng sau anh đã có mặt ở tâm dịch.

Còn trẻ, lại chưa có gia đình Hoàn bảo, bước vào cuộc chiến này tâm lý anh khá thoải mái. Mặc dù ngày cận Tết phố phường nhộn nhịp là vậy, nhưng tại khu điều trị chỉ là những bước chân vội vã, những gương mặt thất thần vì lo lắng của người bệnh. Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, những người như Hoàn chẳng có thời gian để nghĩ đến chuyện gì khác ngoài bệnh nhân. Đêm 30, mẹ anh gọi điện chúc Tết và động viên con trai, vẫn không quên dặn dò “cẩn thận con nhé, mỗi ngày hãy tranh thủ gọi về để mẹ yên tâm”.

Đều đặn các buổi sáng, mở đầu của ngày làm việc là Hoàn vào thăm hỏi bệnh nhân xem có ngủ được không, nhịp thở khá hơn chưa, ăn ngon miệng không? Nhanh nhẹn, hoạt bát và tận tâm, những người điều dưỡng như Hoàn không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện về sức khỏe mà còn cải thiện nhiều hơn về tâm lý - cái cảm giác lo sợ khi lần đầu tiên phải đối diện với thứ virus nguy hiểm chết người.

Hỏi anh, gần 1 tháng trong tâm dịch có áp lực gì không? Hoàn bảo, đợt vào tâm dịch Đà Nẵng đa phần bệnh nhân ở đấy rất nặng, có bệnh lý nền, thở máy, lọc máu…nên anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này cũng được chia sẻ cho các bạn đồng nghiệp Hải Dương nên tất cả bước vào cuộc thực chiến với tâm lý tự tin và vững vàng về nghiệp vụ.

Sinh năm 1991, 30 tuổi, Hoàn tràn đầy nhiệt huyết. Những ngày BV Bạch Mai bị phong tỏa, mặc dù đang là ngày nghỉ, không thuộc diện phải cách ly trong bệnh viện nhưng anh vẫn xin vào tâm dịch để sát cánh chiến đấu cùng các đồng nghiệp. Và khi Đà Nẵng bắt đầu căng thẳng, Hoàn cũng là người xung phong lên đường. Hành trang của anh không chỉ là kiến thức của ngành y, là nhiệt huyết của tuổi trẻ mà còn là mong muốn, khát khao được góp phần cùng các y, bác sĩ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, trả lại nhịp đập cuộc sống bình yên cho tất cả mọi người.

Những người đi trước, về sau

Khi xuống tâm dịch Chí Linh cũng là những ngày cận Tết, bọn trẻ muốn được bố đưa đi mua một đôi giầy mới… thế nhưng BS Vũ Minh Điền (BV Nhiệt đới Trung ương) chỉ kịp ôm con vào lòng và hứa, hoàn thành nhiệm vụ trở về, bố sẽ dành trọn vẹn một ngày cho cả gia đình mình.

Là bác sĩ có thâm niên 15 năm trong ngành truyền nhiễm và kinh nghiệm hơn 1 năm đối phó với dịch Covid-19 được điều động xuống Chí Linh sát cánh cùng đồng đội chiến đấu với virus SARS-CoV-2, BS Điền bảo nhiệm vụ lần này hết sức vẻ vang, nhưng cũng vô cùng nặng nề.

BS Vũ Minh Điền.

Các bác sĩ ở cơ sở lần đầu tiên đối mặt với ổ dịch lớn, lại thiếu kinh nghiệm trong ngành truyền nhiễm. Cơ sở vật chất tại Trung tâm y tế Chí Linh không đồng bộ, máy móc, trang thiết bị phòng dịch thiếu thốn...Tuy nhiên, BS Điền cho biết, với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình tôi tự tin nhận nhiệm vụ, cùng trung tâm hoạch định chiến lược và nhanh chóng bắt tay vào việc chuyển đổi công năng Trung tâm Y tế Chí Linh thành Bệnh viện Dã chiến.

BS Điền kể, tất cả bệnh nhân vào viện đều được cung cấp số điện thoại zalo của đơn nguyên điều trị, các nhân viên y tế cũng thường xuyên tương tác, hỏi thăm, động viên tinh thần. “Tôi thiết lập thời gian thăm bệnh nhân, yêu cầu họ tập thể dục ngày 2 lần, vừa để nâng cao sức khỏe, vừa để bệnh nhân vững tâm hơn. Ở đây, cháu nhỏ nhất vào viện khi chưa đầy 1 tháng, nay đã 2 tháng tuổi. Còn người lớn nhất là 72 tuổi. Cũng có một số người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai... Nhưng đến nay, cơ bản sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định” - BS Điền chia sẻ.

“Đến nay đã có 4 đợt tiễn bệnh nhân ra viện, ngày 21/2 vừa qua có tới 90 bệnh nhân được điều trị khỏi, nâng số bệnh nhân ra viện là 168 người. Đây là niềm vui vô bờ bến không chỉ của các y, bác sĩ mà cả những người bệnh đang tiếp tục điều trị. Chúng tôi cảm giác như ngày chiến thắng đang đến rất gần” - BS Điền xúc động.

Khi Hà Nội xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên (BN) số 17, BS Nguyễn Hữu Bình (Trung tâm Y tế quận Hà Đông) đã sẵn sàng xác định sẽ bước vào một cuộc chiến đầy cam go với thứ kẻ thù vô hình này. Không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh hay cấp cứu bệnh nhân nhưng cán bộ làm công tác y tế dự phòng như anh luôn là những người đi đầu trong trận chiến.

BS Nguyễn Hữu Bình.

Trong những ngày dịch diễn biến phức tạp, các anh chia nhau trực 24/24. “Chúng tôi thường đùa nhau rằng, những ngày trực chiến thì không có thời gian để nghĩ đến bất cứ chuyện gì, kể cả ăn uống. Khi có thông báo về một F0 nào đó, ngay lập tức phải bắt tay vào điều tra dịch tế, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn…Việc nào cũng đòi hỏi nhanh, chính xác, bởi những sai số trong công tác này luôn để lại hậu quả nặng nề” - BS Bình chia sẻ.

Có hôm, vừa chợp mắt thì nhận thông tin “xuất hiện f1”, thế là ngay lập tức lên đường “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Có trường hợp F1 lịch trình di chuyển dày đặc cũng đồng nghĩa với việc truy tìm f2, f3 là vô cùng khó khăn và tốn kém về thời gian. Nhiều người còn sợ bị đưa đi cách ly nên khai báo vòng vo, không đúng sự thật. Lúc đó, vừa điều tra cũng lại vừa phải trấn an họ. Như thời điểm huyện Mê Linh ghi nhận các ca dương tính Covid-19, Sở Y tế huy động các cán bộ ngay trong đêm tăng cường về lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Hạ Lôi, truy vết các trường hợp có liên quan đến các ca nhiễm, người đi về từ vùng dịch. Khẩn trương tổ chức cách ly y tế tập trung, tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Khối lượng công việc dường như quá tải. Thế nhưng, qua lớp kính trắng vẫn là ánh mắt đầy quyết tâm...

Họ - những người lính áo trắng chính là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng đang thật đẹp hơn trong lòng người dân.

Những ngày trong tâm dịch mới thấy người dân Chí Linh nhiệt tình và hiếu khách đến nhường nào. Đúng là càng trong khó khăn càng thấm đẫm nghĩa đồng bào. Rất nhiều mạnh thường quân và tình nguyên viện đứng ra nấu cơm cho bác sĩ và bệnh nhân trong khu điều trị. Họ cung cấp các suất ăn mà lương thực thực phẩm từ chính gia đình mình. Hy vọng dịch sẽ sớm được khống chế, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân Hải Dương” - BS Vũ Minh Điền (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đương đầu với đại dịch Covid-19 - Bài cuối: Đi vào tâm dịch