Lần đầu tiên, FOUR PAWS tiết lộ những thước phim độc quyền về thực trạng buôn bán chó và mèo trong bộ phim tài liệu mang tên “Đường đến lò mổ”. Bộ phim “gây sốc” phản ánh chân thực hành trình đáng thương của những con vật từ khi bị bắt đến khi bị giết thịt.
Mỗi năm, hơn 6 triệu cá thể chó và mèo bị giết thịt ở Việt Nam. Trong 2 tháng cuối năm 2022, FOUR PAWS đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật nhằm vạch trần hoạt động buôn bán chó và mèo trái phép. Kết quả điều tra của FOUR PAWS cho thấy, Quốc lộ 1A chính là con đường dẫn đến các lò mổ, trong đó, Hà Tĩnh được cho là trung điểm của chuỗi "kinh hoàng", là nút thắt cổ chai của việc phân phối vật nuôi bị bắt trộm và buôn bán trái phép.
Bà Ninh Thị Phương Thảo, Điều phối viên Chương trình phúc lợi cho chó và mèo, Tổ chức FOUR PAWS International tại Việt Nam, cho biết: “Trong suốt quá trình điều tra, chúng tôi đã chứng kiến sự đối xử thiếu nhân đạo đối với động vật. Chó và mèo bị nhồi nhét trong những chiếc lồng nhỏ, bị vận chuyển hàng trăm km trên các xe tải và xe máy, sau đó bị lôi ra bằng kẹp sắt một cách tàn nhẫn. Khi đến nơi, chúng bị đánh đến chết bằng gậy, bị giật điện hoặc bị cắt cổ. Sau đó, các con vật được bán trực tiếp cho những người chuyên cung cấp cho các nhà hàng gần đó. Hơn thế, có rất nhiều chó mèo bị vận chuyển bất hợp pháp trong khoang hành lý của các xe khách mà hành khách có thể không hay biết".
Thông thường, chỉ có các xe tải chở động vật phải dừng lại tại các trạm kiểm dịch để kiểm tra giấy tờ. Chính vì thế, những kẻ buôn bán chó mèo đã sử dụng phương tiện giao thông như xe khách để tránh bị phát hiện. Thông thường, cảnh sát giao thông sẽ không dừng xe khách kiểm tra trừ khi họ biết trước về hành vi vận chuyển động vật trái phép.
“Báo cáo ghi nhận một trường hợp có hơn 150 cá thể chó và mèo bị nhồi nhét vào khoang hành lý của một xe khách liên tỉnh mà hành khách không hề biết về sự hiện diện của chúng. Khi bị phát hiện, hai phần ba số chó mèo gần như đã chết, khả năng cao do bị ngạt thở khi bị nhốt chung trong khoang hành lý của xe khách. Việc buôn bán này diễn ra rất lộ liễu", bà Thảo cho biết.
Việc vận chuyển số lượng lớn động vật (có nghi ngờ chưa được tiêm phòng) trong điều kiện khắc nghiệt và mất vệ sinh đang làm tăng nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người, vì chó và mèo bị nhiễm bệnh có thể lây lan cho các động vật khác, thậm chí cho cả người buôn bán và người tiêu thụ.
Bà Thảo cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thực thi luật Giao thông đường bộ và kiểm dịch động vật bởi việc kiểm soát vận chuyển buôn bán chó và mèo hiện nay chưa thực sự hiệu quả”.