Chúng ta không thể nói chắc có bao nhiêu hãng dược lao vào cuộc đua tìm kiếm thuốc đặc trị Covid-19. Vì đó không chỉ là cuộc đua thương mại mà nó còn là cuộc đua khoa học, cuộc đua nhân đạo....
“Chúng ta không thể nói chắc có bao nhiêu hãng dược lao vào cuộc đua tìm kiếm thuốc đặc trị Covid-19. Vì đó không chỉ là cuộc đua thương mại mà nó còn là cuộc đua khoa học, cuộc đua nhân đạo. Và cũng không ai có thể nói chắc những gì được gọi là “thuốc” điều trị Covid-19 đang được chỉ định sử dụng công hiệu đến đâu. Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc đua đó sẽ không dừng lại bất chấp đích đến vẫn còn ở đâu đó phía trước” - The New York Times dẫn lời Tiến sĩ J.Coperfil, đại diện một nhóm chuyên gia tại Trường ĐH Stanford (Mỹ).
Bà Lisa Miorin - một chuyên gia về vi sinh học, tham gia cuộc nghiên cứu tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Mount Sinai cũng cho rằng, cho dù chúng ta đã có khá nhiều vaccine ngừa Covid-19 nhưng đó cũng chỉ là kiểm soát, còn muốn “hạ gục” chúng thì phải có thuốc. Mà thuốc đặc trị thì... chưa có (Mỹ). “Nhưng chúng ta không được phép tuyệt vọng, tuyệt đối không” - Tiến sĩ Lisa Miorin nói và cho biết, nếu tìm được loại thuốc nào có tiềm năng điều trị Covid-19, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm chúng trên một con vật bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đó là con chồn sương. Đây là loài vật từng bị nhiễm SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng), một căn bệnh có liên hệ gần gũi với Covid-19.
“Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm chúng an toàn đối với con người khi được sử dụng và không dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm” - Tiến sĩ Lisa nhấn mạnh.
2 hướng chính tìm kiếm thuốc đặc trị
Tại thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết một thử nghiệm lâm sàng ở 52 quốc gia sẽ nghiên cứu 3 loại thuốc chống viêm là phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. “Các liệu pháp này đã được một hội đồng chuyên gia độc lập lựa chọn vì tiềm năng trong việc giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 trở nặng phải nhập viện” - WHO thông tin.
3 loại thuốc được lựa chọn đều đã sử dụng để điều trị các bệnh khác. Trong đó, Artesunate chữa sốt rét ác tính; Imatinib chữa một số bệnh ung thư và Infliximab cho các vấn đề của hệ miễn dịch như bệnh Crohn (viêm đường ruột) và viêm khớp dạng thấp. Artesunate sẽ được tiêm tĩnh mạch trong 7 ngày, sử dụng liều tiêu chuẩn được khuyến cáo để điều trị sốt rét ác tính. Imatinib là thuốc uống, một lần mỗi ngày, trong 14 ngày. Trong khi đó, Infliximab sẽ được tiêm tĩnh mạch với một liều duy nhất.
Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua tìm kiếm các loại thuốc điều trị Covid-19 theo 2 hướng chính: Sáng chế một loại thuốc hoàn toàn mới hoặc tìm hiểu các loại thuốc có sẵn có thể thêm công dụng trị Covid-19 hay không. Một số loại thuốc đã được sử dụng hoặc thử nghiệm lâm sàng trên người. Thuốc Remdesivir từng được nghiên cứu để trị bệnh Ebola và viêm gan C. Hiện thuốc đã được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng tạm thời như một phương pháp điều trị Covid-19 ở khoảng 50 quốc gia. Phần lớn bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc theo lộ trình 5 ngày, tiêm qua đường tĩnh mạch. Thuốc Molnupiravir được phát triển cách đây vài năm như một chất kháng virus cúm. Loại thuốc trên hiện đang thử nghiệm ở giai đoạn 3. Dữ liệu rất hứa hẹn nên Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, Công ty Nhật Bản Shionogi đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm S-217622, một loại thuốc kháng virus đường uống dành cho người mới nhiễm bệnh. Còn Israel tiến hành thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24. Thật đáng khích lệ khi mà sau khi sử dụng thuốc, 9 trong số 10 bệnh nhân nặng đã được xuất viện trong vòng 5 ngày.
Đích đến còn xa
Cũng như những thử nghiệm khoa học khác, những nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 không nhận được nhiều tài trợ vì kết quả rất khó đoán định, khiến cuộc việc càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, khi chủng virus corona mới bắt đầu lây lan, Pfizer đã tập hợp “nhóm SWAT” gồm các nhà khoa học và nhà hóa học để tìm phương pháp điều trị tiềm năng nhằm chống lại Covid-19. Pfizer là “gã khổng lồ” dược phẩm của Mỹ mang đầy tham vọng. Họ cho rằng sẽ sớm tìm ra một loại thuốc có thể ngăn chặn sự lây nhiễm SARS-CoV2, tương tự như cách thuốc Tamiflu được sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh cúm. Tuy thế thì đích đến vẫn còn rất xa, cho dù cuối tháng 7 vừa qua Pfizer đã đưa vào thử nghiệm quy mô lớn trên người.
Cùng lúc, Công ty Dược phẩm Thụy Sĩ Roche Holding AG cũng chạy đua để sản xuất viên thuốc kháng virus SARS-CoV-2, để người bệnh có thể uống khi có dấu hiệu sớm của bệnh. “Mục tiêu của chúng tôi là lấp đầy lỗ hổng điều trị bằng cách giúp những người mới bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tránh bị bệnh nặng đến nỗi phải nhập viện” - đại diện Roche Holding AG nói. Tuy nhiên, để làm được điều đó là chuyện vô vàn khó khăn vì không giống như vaccine chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời phải đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.
Trong hành trình tìm kiếm đầy gian nan, Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết sớm nhất thì cũng phải đến cuối năm 2021 này mới có thể xin cấp phép khẩn cấp tại Mỹ cho một loại thuốc Covid-19. Tuy nhiên, ông Bourla cho biết, “hiện tại, chúng tôi có lý do chính đáng để tin rằng có thể thành công”. Khi được hỏi về việc Hãng dược phẩm Merck gần đây đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối trên người và cũng cho biết thuốc của họ có thể sẵn sàng vào cuối năm nay, ông Bourla cho biết, ở đây không có sự cạnh tranh dù rằng tất cả đều cùng trên một đường đua. “Vì mục đích cuối cùng nhắm đến chính là sức khỏe và mạng sống của con người”.
Giáo sư, Tiến sĩ Rajesh Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard cho biết: “Chúng ta cần một loại thuốc có thể giúp mọi người không phải đến bệnh viện. Thật không may là cho đến nay dù các bác sĩ đã thử một số loại thuốc uống để chống lại Covid-19, nhưng chưa loại thuốc nào thành công trong quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt”.
Còn Tiến sĩ, bác sĩ Merdad Parsey - Giám đốc Y tế của Gilead cho biết: “Tất cả chúng tôi đang săn lùng Tamiflu tiếp theo”. Tamiflu được khuyên dùng cho những người bị cúm không quá hai ngày và đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng cúm. “Nhưng đó là cuộc săn lùng ”phù thủy” rất khó nắm bắt”.
Cũng vì sự khó khăn ấy, mà theo bà Charlotte Allerton - Trưởng bộ phận bào chế thuốc của Pfizer, từ năm 2003, khi công ty tìm kiếm phương pháp điều trị cho đại dịch SARS, thì người ta cũng đã nghĩ đến “một loại thuốc” để đối phó với một đại dịch nữa có thể sẽ xảy ra. “Nhưng đến khi SARS-CoV-2 xuất hiện, thì chúng ta đành chua chát nhận ra rằng, chúng ta luôn chậm chân” - bà Allerton nói và cho biết, những loại thuốc mới được bào chế nồng độ không đủ mạnh để chống lại virus ở người, trong khi chúng lại liên tục có những biến thể mới.
“Nếu chúng ta tìm được thuốc đặc trị Covid-19 thì có thể nói đó chính là một kiệt tác khoa học” - Tiến sĩ Dolsten của Pfizer nói.
Trong bối cảnh đó, thông tin từ Cơ quan An toàn thuốc và sản phẩm y tế quốc gia Pháp (ANSM) cho phép Viện Pasteur ở Lille thử nghiệm lâm sàng hoạt chất Clofoctol để điều trị người mắc Covid-19 được giới khoa học đón nhận một cách hoan hỉ. Tiến sĩ Jean Dubuisson cho rằng, dù không tuyệt đối nhưng cánh cửa đã mở ra với các loại thuốc điều trị Covid-19.
Sự kết hợp đáng mơ ước
Trong cuộc chạy đua gấp gáp tìm kiếm thuốc đặc trị Covid-19, các nhà khoa học Anh được cho là có nhiều thành tựu, tuy rằng ít nghiên cứu của họ được ghi nhận rộng rãi như các đồng nghiệp Mỹ, hoặc là Thụy Sĩ. Giáo sư, Tiến sĩ Peter Horby tại Đại học Oxford nhớ lại: Ông đã không tin vào mắt mình khi xem qua báo cáo đầu tiên về kết quả thử nghiệm cho thấy Dexamethasone có tác dụng làm giảm nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19.
“Ngay lập tức, tôi đã gọi điện cho đồng nghiệp là Tiến sĩ Martin Landray. Không thể tin được! Nó hoạt động rồi!, tôi hét lên. Tôi nghe trong máy tiếng thở dài nhẹ nhẹ của Landray và tôi biết chúng tôi đã đặt một chân vào vạch cán đích” - Giáo sư Horby kể lại. Đây là một cuộc tìm kiếm rất dài, nó được bắt đầu từ những năm 1980, đến độ nhiều người trong giới khoa học đã quên đi nó. Nhưng những người như Giáo sư Horby thì không. “Martin Landray khi đó còn rất trẻ, nay cũng sắp trở thành một ông lão đáng kính mất rồi” - Giáo sư Horby nói một cách hóm hỉnh lẫn bùi ngùi.
Nhớ lại, ngày 28/2/2020, lúc dịch Covid-19 mới bùng phát ở Anh với chỉ 20 ca nhiễm, Tiến sĩ Landray đã gửi thư cho Tiến sĩ Jeremy Farrar phụ trách tổ chức từ thiện Wellcome Trust giải thích virus SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ lây nhiễm rất nhanh và cần thử nghiệm tìm thuốc điều trị. Farrar đề nghị Landray liên hệ với Giáo sư Horby bởi lúc đó Horby đang có nguồn tài trợ thử nghiệm nhiều loại thuốc.
“Khi tôi gặp Giáo sư Horby lần đầu ở Đại học Oxford, tôi đã nhận ra mỗi người là một nửa của nhau. Horby nắm chắc thủ tục tổ chức điều tra thuốc trong dịch bệnh trong khi tôi đã có đề án thử nghiệm quy mô lớn. Ông ấy chưa bao giờ thực hiện thử nghiệm lâm sàng nào trên 200 bệnh nhân, còn tôi chưa bao giờ nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Thế là chúng tôi bổ sung cho nhau trong một sự kết hợp đáng mơ ước. Chúng tôi đã đề xuất gửi Giám đốc y tế Anh Chris Whitty và đã được đồng ý với hơn 175 bệnh viện cho phép thử nghiệm. Chưa đầy hai tuần, hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 đăng ký tham gia chương trình Recovery. Còn hạnh phúc nào hơn nữa, đúng không?” - Tiến sĩ Landray nói.
Peter Horby và Martin Landray đã thiết kế chương trình Recovery theo mô hình thử nghiệm ISIS về bệnh tim trước đó. Khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện, một thành viên nhóm nghiên cứu sẽ đến hỏi bệnh nhân có muốn tham gia thử nghiệm không. Bệnh nhân đồng ý sẽ ký tên vào mẫu đơn dài chỉ một trang. Người ta sẽ lập đơn thuốc với 50% số bệnh nhân dùng thuốc thử nghiệm và 50% còn lại làm nhóm đối chứng. Mọi thông tin đều rất minh bạch. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng hoàn toàn hiểu rằng, đối với Dexamethasone, các nghiên cứu về tác dụng điều trị Covid-19 của hoạt chất còn rất hạn chế. Một số nghiên cứu đánh giá Dexamethasone có thể có ích, ngược lại cũng có chỉ định không dùng thuốc ở liều cao vì gây nguy hiểm. Nhưng, nói như Giáo sư Horby thì thử nghiệm là cách duy nhất để không còn ý kiến mâu thuẫn với nhau.
Theo nhóm nghiên cứu, tới nay kết quả thử nghiệm cho thấy Dexamethasone làm giảm 35% nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 thở máy, giảm 20% nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân thở oxy, giảm 17% tỉ lệ tử vong chung trong 28 ngày và không có tác dụng đối với bệnh nhân không cần hỗ trợ thở.
Theo Giáo sư Dale Fisher - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cùng với vaccine thì thuốc điều trị Covid-19 là vũ khí cực kỳ quan trọng chống lại đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây nên. Vì thế, cho dù khó như đi “săn phù thủy” thì công việc vẫn phải được tiến hành.
Có vaccine, tại sao vẫn cần thuốc đặc trị Covid-19?
Thế giới đã chứng kiến những bước tiến lớn trong việc phát triển vaccine chống lại Covid-19. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những biện pháp can thiệp khác như thuốc điều trị hiệu quả vẫn là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành. “Sự cần thiết của các phương pháp chữa trị bệnh, điều mà dường như nhiều hãng dược phẩm đã bỏ quên trước đây, đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết” - Rachel Cohen, Giám đốc điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của chương trình Sáng kiến về thuốc cho các dịch bệnh bị bỏ rơi (DNDi) nói. Chưa bao giờ trong lịch sử kiểm soát bệnh truyền nhiễm chỉ một “vũ khí” là đủ. Chúng ta phải có vaccine lẫn thuốc. Theo bà Cohen, các loại thuốc mới có thể giúp những người nhiễm bệnh tránh phải nhập viện và cũng có thể ngăn bệnh nhân nhập viện tử vong. Việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả vẫn được xem là giải pháp bền vững để chấm dứt đại dịch cùng với các biện pháp khác như vaccine, giãn cách xã hội.