Ban Quản lý dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ khai thác đoạn trên cao phải điều chỉnh lùi vào cuối năm 2021. Trước đó, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tiến độ vận hành chính thức 8,5 km đoạn trên cao vào tháng 4 và vận hành 4 km đi ngầm vào cuối năm 2022.
Lùi khai thác vì dịch bệnh
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, đoàn tàu thứ ba của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vừa về tới cảng Hải Phòng và sẽ được vận chuyển tới khu vực Depot Nhổn (Hà Nội) vào hôm nay (23/2). Tính đến thời điểm này tiến độ sản xuất, vận chuyển, chạy thử… các đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bảo đảm kế hoạch đề ra. Dự kiến, đoàn tàu thứ 10, cũng là đoàn tàu cuối cùng của dự án do nhà thầu Alstom (Pháp) sản xuất sẽ được hoàn thành và đưa về nước trong tháng 7.
Trước đó, phía MRB tiếp nhận đoàn tàu metro thứ hai Nhổn-ga Hà Nội về tới cảng Hải Phòng ngày 5/2/2021. Đoàn tàu đầu tiên của dự án này về nước vào ngày 18/10/2020. MRB cho vận hành thử nghiệm liên động đoàn tàu chạy từ ga S1-ga S5 với chiều dài quãng đường 10km trong ngày 22/1/2021.
Trong 2 ngày 23-24/1 vừa qua, nhiều người dân đến nhà ga S1-Nhổn của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội tham quan đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị và đề xuất ưu tiên kinh phí cho người cao tuổi, nâng cao ý thức văn minh cho người dân, xây dựng văn hóa sử dụng metro. Người dân Hà Nội cũng mong muốn có các bãi gửi xe và liên kết với các phương tiện vận tải công cộng khác và đặc biệt sớm được sử dụng metro…
Về thời gian chính thức vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội theo kế hoạch được phê duyệt, dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội tháng 4/2021 bắt đầu khai thác, vận hành thương mại đoạn trên cao dài 8,5 km, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học GTVT. Còn lại 4km đi ngầm sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ khai thác đoạn trên cao phải điều chỉnh lùi vào cuối năm 2021. Trước đó, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tiến độ vận hành chính thức 8,5km đoạn trên cao vào tháng 4 và vận hành 4km đi ngầm vào cuối năm 2022.
Đang thiếu lái tàu
Để vận hành, khai thác lý dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, còn nhiều công việc khác cần phải hoàn thành như đào tạo nhân lực, hoàn thành gói thầu lắp đặt thẻ vé, vận hành thử, đánh giá an toàn hệ thống, giấy chứng nhận lái tàu...
Đáng chú ý, về công tác đào tạo nhân lực, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội, đơn vị tiếp nhận khai thác, vận hành cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội cần 40 lái tàu để đáp ứng vận hành, khai thác đoạn trên cao của dự án vào tháng 4/2021. Trước mắt mới tuyển dụng để đào tạo lái tàu, các chức danh khác làm công việc trực tiếp phục vụ vận hành hệ thống đường sắt trên chưa có kế hoạch tuyển dụng đào tạo.
“Nhân sự được tuyển dụng sẽ được đào tạo chuyển giao, tiếp nhận công nghệ dự án ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, trong số này có khoảng 7 người được lựa chọn để cử đi đào tạo tại nước ngoài trong thời hạn khoảng 10 ngày, sau đó để truyền đạt kinh nghiệm cho các học viên lái tàu khác”, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết.
Liên quan tới việc vận hành tuyến theo kế hoạch, giới chuyên gia giao thông đô thị nhìn nhận, vấn đề khó nhất hiện nay của dự án Nhổn - ga Hà Nội là đào tạo nhân sự ở các bộ phận trung tâm điều khiển hệ thống (OCC), nhất là nhân sự theo dõi, điều khiển tín hiệu đoàn tàu, tín hiệu đoàn tàu, an toàn và xử lý vấn đề phát sinh. Hệ thống tàu điện có chạy được hay không phụ thuộc vào bộ phận này. Sau khi đào tạo, bộ phận này phải đảm bảo tự vận hành hệ thống khi chuyên gia dự án rút đi. Mặt khác, khi nhân sự trong nước tự vận hành được hệ thống, trường hợp đoàn tàu chưa đủ theo thiết kế vẫn có thể khai thác thương mại.