Ngành đường sắt đã và đang nỗ lực làm mới mình bằng các đoàn tàu chất lượng cao. Sự ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng hồi năm 2023 là một minh chứng. Cuối năm 2023, lần đầu tiên ngành đường sắt đã đưa dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách hàng trên chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát...
Đường sắt không chỉ là loại hình vận tải thuần túy
Thời điểm cuối tháng 2 vừa qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và hãng Belmond Managemant Limitted đã tổ chức lễ bàn giao Thỏa thuận khung hợp tác về nghiên cứu xây dựng chạy tàu hạng sang trên đường sắt Việt Nam.
Ông Gary Franklin, Phó Chủ tịch Công ty Belmond - hãng tàu du lịch hạng sang nổi tiếng, bày tỏ mong muốn sẽ đưa các đoàn tàu về Việt Nam, đưa những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của Việt Nam vào đoàn tàu. Đồng thời, hãng này khẳng định đây sẽ là sản phẩm du lịch lữ hành cao cấp dành cho các du khách muốn thăm và khám phá Việt Nam.
Gần đây, vào đầu tháng 3 VNR vừa tổ chức chạy thử một đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình và các dịch vụ theo yêu cầu, từ đó sẽ mở rộng với các đối tượng khách hàng khác và trên tất cả các tuyến đường sắt.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch VNR chia sẻ, đường sắt đã triển khai dịch vụ tàu charter từ lâu nhưng hầu như khách hàng mới quan tâm thuê cho các tập thể đi du lịch, chủ yếu trên tuyến Hà Nội - Quảng Bình, với một số dịch vụ trên toa xe cộng đồng cho sinh hoạt tập thể như: Liên hoan, sinh hoạt văn nghệ, khu vui chơi trẻ em... Tàu thuê cũng hầu hết là tàu đã có sẵn hành trình, theo biểu đồ chạy tàu cố định, nhưng lộ trình sẽ phát triển trên nhiều tuyến, kể cả những tuyến không chạy tàu khách.
Ngành đường sắt đã nỗ lực tự làm mới mình bằng các đoàn tàu chất lượng cao. Mà trước đó, vào năm 2023, ngành ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng. Vào ngày 22/12/2023 vừa qua, lần đầu tiên ngành đường sắt đã đưa dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách hàng trên chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện VNR thông tin, với phương thức trải nghiệm mới, dịch vụ mới, ngành đường sắt mong muốn đường sắt không chỉ là loại hình vận tải thuần tuý mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa và di sản. Những hình ảnh ấy đang tạo nên diện mạo mới của Đường sắt Việt Nam, được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Thay đổi tư duy
Theo khẳng định của ông Đặng Sỹ Mạnh, thay đổi lớn nhất của ngành đường sắt những năm qua là tư duy, từ lãnh đạo lan tỏa đến người lao động.
“Trước đây, đường sắt thường tự ti, nghĩ mình nghèo khó và chỉ than thở nhưng nay đã thay đổi tư duy, thẳng thắn nhận diện những khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm. Không thể đi đâu cũng nói đường sắt là đặc thù, phải phá được lớp băng tư duy” - ông Mạnh nói.
Để nâng thị phần vận tải đường sắt, ông Mạnh cho biết, VNR đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển tàu chất lượng cao, cải cách chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga… đồng thời đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng như nâng cấp hạ tầng đường sắt, mở mới một số khu ga khách, cải tạo một số khu ga hàng; kết nối với khu công nghiệp, cảng biển…
“Thời gian tới, VNR sẽ tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết giữa trên tàu với dưới ga; tăng cường liên kết với các công ty du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến” – ông Mạnh nói.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, do đó, phải huy động hợp tác công-tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới… đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng phát huy các tiềm năng, lợi thế của ngành và thúc đẩy các động lực phát triển mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp và năng lực thực thi của cấp dưới, cắt giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không để cơ chế xin cho… "Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" - Thủ tướng khẳng định.
Năm 2024, VNR đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (so với lợi nhuận giai đoạn 2021-2022 là -1.194 tỷ đồng).