Bộ Giao thông vận tải không nhận lại Tổng Công ty Đường sắt, trong khi đó ở Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, đơn vị này dự kiến năm 2020 lỗ hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí, tháng 2 vừa qua hơn 11.000 nhân viên chưa có lương tính từ đầu năm cho tới thời điểm đó. Trong khi đời sống của người lao động sẽ còn khó khăn gấp bội khi các tuyến đường sắt gần như “đứng bánh” thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.
Hiếm hoi những chuyến tàu trong dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Theo đó, Bộ GTVT không tiếp nhận lại vai trò đại diện phần vốn nhà nước tại VNR từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV). Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBQLV cần sớm rà soát trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNR, trong đó cần có sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật về bảo trì, khai thác cũng như sớm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.
Trước đó, giữa tháng 2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBQLV đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của việc đưa VNR về lại Bộ GTVT. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Thủ tướng nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển VNR từ UBQLV về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của VNR.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, chuyển động trong bộ máy của đường sắt chậm nên gặp vướng về cơ chế, nhiều lĩnh vực công ích khác cũng đã thực hiện đấu thầu từ lâu như đảm bảo hàng hải. Về lâu dài, dù ở lại UBQLV hay về lại Bộ GTVT, đường sắt vẫn phải theo cơ chế chung, đấu thầu chứ không giao vốn nữa.
Vào đầu tháng 4/2020, trong công văn số 542/UBQLV-CNHT, ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch UBQLV cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Lý do, việc điều chuyển chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đáng chú ý, báo cáo UBQLV tại doanh nghiệp mới đây, VNR cho biết đã tính toán các “kịch bản” kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 khác nhau tùy thuộc thời điểm khống chế được dịch Covid-19 tác động đến nhu cầu đi lại của hành khách. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách hơn 527 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ doanh thu giảm từ 700 - 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và lỗ từ 694 tỷ đồng đến 935 tỷ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch Covid-19.
Dự báo đời sống của người lao động ngành đường sắt sẽ còn khó khăn gấp bội khi các tuyến đường sắt hầu như tê liệt do dịch bệnh; đại diện cho người lao động, ông Vũ Thanh Bình- Giám đốc chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, số lượng tiếp viên toàn đoàn là hơn 800 người, nhưng đã cho nghỉ hơn 650 người theo nhiều hình thức như tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên... Dù đã tìm thêm các việc (như vệ sinh toa xe), nhưng do số lượng tàu còn lại rất ít, nên không đủ công việc để bố trí lao động.
Và đó cũng là tình cảnh chung của các công ty con thuộc VNR. Chưa kể VNR rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên” từ hồi tháng 2, khi hơn 11.000 nhân viên tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông chưa có lương từ đầu năm 2020, do doanh nghiệp này chưa được giao dự toán ngân sách. Sau đó, một số công ty con phải vay tiền để trả lương nhân viên…
Ông Đào Anh Tuấn -Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - thông tin, hiện đã tạm dừng nhiều đoàn tàu khách. Kinh doanh vận tải đường sắt sụt giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 4/2020, công ty có tới 1.663 lao động mất việc làm do phải nghỉ luân phiên hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, chiếm đến 77,7% số lao động hiện có. Với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng; lao động phải thực hiện cách ly tại nhà do tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 được trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng.
Bà Phùng Thị Lý Hà- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, số lao động phải ngừng việc do phải thực hiện cách ly phòng dịch, phải nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động tính đến ngày 7/4 là 1.378 người, chiếm tỷ lệ 35% số lao động hiện có. Trong đó, 1.176 lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm. “Chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ cho số lao động thiếu việc làm được hưởng theo mức lương tối thiểu vùng”- bà Hà nói.
Như vậy với những sự cố xảy ra liên tiếp gần đây đã bộc lộ rất rõ những hạn chế trong mô hình hoạt động của VNR, mà nếu không tìm được hướng đi phù hợp, thì ngành đường sắt sẽ không thoát được cái vòng luẩn quẩn.