Với người thành phố, những con đường nhựa to, đẹp, không ổ gà dài nhiều km là chuyện bình thường. Còn với bà con huyện nghèo Vị Xuyên ở dãy Tây Côn Lĩnh, đoạn đường bê tông dài hơn 300m và rộng 1,5m đã là một giấc mơ.
Dòng chữ "Viettel hãy nói theo "cánh" của bạn" đặc biệt trên đường tại thôn Tả Ván
Thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên nằm phía đông lưng chừng dãy Tây Côn Lĩnh, cách trung tâm Ủy ban Nhân dân xã 5 km. Thôn có 78 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao, trong đó có 21 hộ diện nghèo.
Ở đây, đường xá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đèo dốc bằng đường đất pha cát. Những khi trời mưa, đường bị sạt lở, trơn trượt, rất nguy hiểm cho người dân và các em học sinh đến trường.
Tháng 5/2015, thôn Tả Ván được Viettel hỗ trợ 14 tấn xi măng, tặng 14 hộ nghèo làm chuồng, trại gia súc, sân nhà và công trình vệ sinh. Thế nhưng, thay vì xây cho nhà mình, họ đồng thuận và tự nguyện góp toàn bộ số xi măng được hỗ trợ cho thôn để làm đường liên thôn. Nhận xi măng, cả thôn hợp sức triển khai làm đường bê tông, nhiều hộ khác đóng thêm công sức, vật liệu.
Sau 1 tháng thi công, công trình đoạn đường bê tông liên thôn được hoàn thành với chiều dài 308 m, rộng 1,5 m. Trong không khí vui mừng của cả thôn khi có con đường bê tông mới, người dân đã cám ơn Viettel theo cách riêng của họ. Họ viết lên trên đường bê tông dòng chữ “Viettel hãy nói theo cánh của bạn”.
Nguyễn Trung Hà, nhân viên Viettel Hà Giang chia sẻ, anh rất xúc động khi thấy người dân tự viết dòng slogan của công ty mình lên con đường. “Sai chính tả khi viết slogan Viettel nhưng tình cờ người dân Tả Ván đã nói đúng một từ quan trọng trong giấc mơ của họ: “Cánh”. Một con đường tốt, đi lại dễ dàng chính là “cánh” cho giấc mơ đổi đời của họ”, Trung Hà chia sẻ.
Nhân viên của Viettel nói thêm, anh cũng không đề nghị những người dân nơi đây viết lại bởi “đây là một slogan đáng yêu và… chính xác với thôn Tả Ván”.
Ở nhiều thôn bản, việc di chuyển ra nơi có trạm xá, trường học mất nửa ngày đến một ngày. Nhiều nơi không thể đi được ôtô mà chỉ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe máy nhưng nếu trời mưa thì chỉ ở nhà vì đường quá xấu, đất sạt lở nên dễ tử vong vì tai nạn. Cũng vì thế, giao thương kém phát triển, khả năng thoát nghèo của bà con rất khó khăn.
Con đường thôn tả van không quá dài (chỉ có 308m), không rộng (chỉ 1,5m) và cũng không hẳn tạo ra một cuộc đổi đời cho người dân nơi đây nhờ đường xá. Thế nhưng, con đường nhỏ ấy giống như phần đầu của một giấc mơ được đi lại dễ dàng hơn, mua bán thuận tiện hơn của những người dân nghèo.
Quà đặc biệt ngày khai trường
Xã Tiên Phong là một trong những xã nghèo, nằm ở phía bắc huyện trung du Tiên Phước với diện tích hơn 2000 ha, dân số trên 5.300 người với 90% sống bằng nghề nông. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiên Phong từng là cái nôi Cách mạng với nhiều cơ quan đầu não đóng quân như Ban chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội Quảng Nam, Văn phòng tỉnh ủy, Ban binh vận tỉnh.
Tại xã nghèo, trường tiểu học Tiên Phong có 6 phòng học, được xây từ năm 1999 với cơ sở vật chất đã xuống cấp, học sinh và giáo viên phải tổ chức học 2 ca rất khó khăn. Thế nhưng, việc đầu tư xây mới ngôi trường khang trang, to đẹp hơn lại ngoài tầm với của thầy cô trong trường.
Cũng vì thế, khi Viettel có ý định tặng một ngôi trường mới, các thầy cô lẫn học sinh xã nghèo đều vui mừng. Và trước kỳ khai giảng năm học mới 2015-2016, ước vọng đó đã trở thành hiện thực.Ngày 25/8, trường tiểu học xã Tiên Phong mới có diện tích hơn 1.000 m2, với tổng giá trị đầu tư trên 7,1 tỷ đồng do Viettel tài trợ 100% vốn đã chính thức được bàn giao.
Công trình gồm các hạng mục chính như: khối nhà học 2 tầng với 10 phòng học, khối nhà chức năng gồm 3 phòng thư viện 1 phòng đa năng, nhà xe, hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác. Trường mới được hoàn thành trước tiến độ 7 tháng để kịp đưa vào phục vụ công tác giảng dạy đúng dịp khai giảng năm học mới 2015 - 2016.
Tiếp cận y tế tính bằng… phút
Chưa có điện lưới, chưa có đường nhựa nhưng một công trình trạm xá trị giá 3,7 tỷ đồng vừa được xây dựng tại bản Cò Cài, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa đã giúp rút ngắn thời gian tiếp cận y tế. Bản Cò Cài là một trong những bản nghèo nhất Việt Nam, địa bàn đặc biệt, từ đầu xã đến cuối xã dài 70km. Đây cũng là một trong những điểm nghèo nhất của huyện, cho tới hiện nay vẫn chưa có đường nhựa, chưa có điện lưới đến bản.
Tại đây, để đến được cơ sở y tế, người dân sẽ mất khoảng 4 tiếng đi xe máy và với điều kiện thời tiết khô ráo. Với những gia đình không có điều kiện phải đi bộ thì mất cả ngày khiêng cáng và đến nơi thì cả người không ốm cũng đổ bệnh.
Trong trường hợp trời mưa thì người dân sẽ để người ốm nặng… ở nhà, bởi đường quá lầy, không thể di chuyển được với mọi phương tiện. Cũng vì thế, trong nhiều năm, người dân bản nghèo vùng biên giới giáp Lào thường không đến khám bác sĩ mà cứ ở nhà… tự chữa bệnh.
Cuối tháng 8/2015, một công trình đặc biệt được khánh thành tại đây. Đó là trạm xá được xây 2 tầng kiên cố, được xây trên diện tích hơn 300 m2 với 12 phòng bệnh, 24 giường cùng các công trình phụ trợ liên quan. Toàn bộ các phòng chức năng đều được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.
Ông Ngân Văn Cảnh, trưởng bản Cò Cài cho biết: “Dân bản mừng lắm. Bao năm nay người dân chẳng mấy khi đi khám bác sĩ bởi đường quá xa. Giờ muốn đến bác sĩ chỉ còn tính bằng phút thôi”.
Chia sẻ niềm vui cùng bà con bản nghèo nhưng ông Nguyễn Văn Ánh, Phó giám đốc Viettel Thanh Hoá tâm tư: “Chúng tôi hỗ trợ trạm xá nhưng ở đây vẫn chưa có điện lưới. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thiết bị y tế cũng chưa sử dụng được, khả năng khám chữa bệnh cũng bị hạn chế. Chúng tôi mong bản Cò Cài sẽ sớm có điện lưới để giấc mơ về trạm y tế của bà con nơi được được trọn vẹn”.