Đường về Việt Bắc

DƯƠNG THUẤN 24/12/2021 16:57

Cách đây đã gần 40 năm, tôi về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du rồi trường giữ lại công tác ở trường. Khi đó mỗi lần được kỳ nghỉ, từ Hà Nội về quê ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn), cách Hà Nội 220 km mà mất trọn vẹn hai ngày đi đường.

Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) . Ảnh: Hoàng Duy.

Ngày đầu từ Hà Nội đi lên Thái Nguyên, đêm ngủ lại ở bến xe Thái Nguyên. Sáng sớm hôm sau lại đi tếp từ Thái Nguyên về Ba Bể. Đấy là phải thật sự may mắn thì chuyến đi mới hanh thông như thế. Chứ còn gặp trắc trở, mua không được vé xe thì phải mất thêm mấy ngày ở lại dọc đường nằm vật vạ. Chuyện đó qua bao năm rồi, bây giờ đã trở thành dĩ vãng. Nhưng mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy hãi hùng.

Bây giờ từ Hà Nội, tôi về quê Ba Bể chỉ mất mấy tiếng đồng hồ. Sáng 6 giờ đi từ Hà Nội, 11 giờ trưa đã tới Ba Bể, lúc đó mới chuẩn bị để nấu cơm trưa. Ăn cơm rồi chơi với gia đình và họ hàng cả buổi chiều rồi lại quay về Hà Nội cũng chỉ vào khoảng 9h30 tối. Hai mươi năm trước mất mấy ngày mới về đến nhà, còn bây giờ cả đi và về chỉ mất một ngày. Đây là sự thay đổi vô cùng lớn. Đây chính là thành tựu rất đáng tự hào thực hiện chính sách phát triển miền núi của Đảng và Nhà nước ta. Cơ sở hạ tầng, đường sá và phương tiện giao thông miền núi đã tốt hơn trước rất nhiều. Rất nhiều gia đình ở các tỉnh Việt Bắc có xe ô tô chở khách, xe tải, xe con phục vụ đi lại và vận chuyển. Không ít gia đình người dân tộc thiểu số còn lập các công ty vận tải tư nhân.

Câu ca “Đường về Việt Bắc xa lắc xa lơ…” của thuở nào, giờ chỉ còn trong ký ức. Việt Bắc có hồ Ba Bể là nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng. Quê tôi Ba Bể ở giữa lòng Việt Bắc, tôi định cư ở Hà Nội mặc nhiên tôi sáng đi tối về, không còn phải nơm nớp lo mua không được vé, lo bị nhỡ xe… Việt Bắc hôm nay đúng như viễn cảnh mà nhà thơ Tố Hữu năm 1954 đã viết trong bài thơ “Việt Bắc” của ông: “Ngày mai rộn rã sơn khê/ Ngược xuôi tàu chạy bốn bề lưới giăng/ Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng/ Phố phường như nấm như măng giữa trời/ Mái đình ngói mới đỏ tươi/ Chợ vui trăm nẻo về xuôi luồng hàng/ Muối Thái Bình ngược Hà Giang/ Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh/ Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng…”.

Việt Bắc là chiếc nôi của quê hương Cách mạng, nơi có nhiều địa danh lịch sử: núi Cứu Quốc, Chợ Rã, Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Bó, Tân Trào, Định Hóa, Phủ Thông, Đèo Giàng, Đông Khê, Bắc Sơn, Võ Nhai, Đình Cả, Thái Nguyên, rừng Trần Hưng Đạo, Nà Pậu nơi Bác Hồ làm bài thơ “Đâu cần thanh niên có…”. Bao tên núi tên sông đã đi vào lịch sử cách mạng của cả nước. Các dân tộc thiểu số sinh sống ở Việt Bắc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, Pà Thẻn… trước đây đã cùng đoàn kết đùm bọc lẫn nhau để nuôi giấu cách mạng, nhờ đó Đảng và Chính phủ mới lãnh đạo nhân dân cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Nhà thơ Tố Hữu cũng viết trong bài “Việt Bắc”: “Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền/ Mười lăm năm ấy ai quên/ Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa…”.

Nói đến Việt Bắc là người ta nói đến quê hương Cách mạng. Từ núi rừng Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945 – 1954) đã giành thắng lợi. Các dân tộc Việt Bắc luôn tự hào về truyền thống quê hương cách mạng của mình.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam, trong đó có các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Những người dân bản vốn chỉ ngày ngày lam lũ với ruộng nương đã sớm được giác ngộ, có ý thức về dân tộc và quê hương của mình. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, họ đã chung lưng đấu cật với Đảng và Hồ Chủ tịch để đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ở Việt Bắc hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi về cơ sở hạ tầng: đường sá, trường học, bệnh viện, công sở, sân chơi, nhà thi đấu, tháp bưu điện, truyền hình vệ tinh, công trình nước sạch… đều được làm mới, các làng bản đều có điện. Hai con đường cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên và Hà Nội - Lạng Sơn là hai huyết mạch quan trọng nối liền Việt Bắc với trung tâm của cả nước là thủ đô Hà Nội. Nếu như trước năm 1945, ở Việt Bắc rất ít người biết chữ, những người biết chữ lúc đó hầu hết đều do người Pháp đào tạo để làm quan cai trị cho chế độ thực dân, số còn lại là một số trí thức biết chữ Nôm Tày và chữ Hán. Còn hiện tại đã khác trước, từ trẻ đến già hầu hết tất cả mọi người đều biết chữ. Trình độ học vấn Trung học cơ sở và trình độ Trung học phổ thông đã phổ cập toàn dân. Rất nhiều người dân tộc thiểu số đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang trong mấy cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới hôm nay... Trẻ con ở các làng bản đều được đi học, người làm ăn khấm khá tự mua thẻ bảo hiểm sức khỏe, các hộ nghèo thì được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm miễn phí để chữa bệnh.

Có thể nói sau gần 80 năm từ khi giải phóng, đời sống của người dân Việt Bắc đã thay đổi rất đáng kể về tất cả mọi mặt. Năm 1977, tôi là người đầu tiên của xã tôi thi đậu vào đại học, nay cả xã đã có khoảng gần 100 người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, gia đình tôi có hơn 30 người, đủ mọi ngành nghề. Tôi và em trai tôi là Dương Khâu Luông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, con trai nhà tôi là tiến sĩ ở Mỹ.

Từ khi đổi mới vào năm 1986, Việt Bắc đã thay đổi rất nhanh chóng, người dân có cuộc sống khá giả hơn, đi lại dễ dàng và thuận tiện hơn. Đời sống văn hóa của Việt Bắc cũng phát triển hơn so với trước. Các trường đại học dành cho con em các dân tộc Việt Bắc được mở rộng thêm về quy mô đào tạo; quy mô xây dựng: Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Mỏ địa chất Thái Nguyên, Đại học Khoa học Thái Nguyên… Ngoài ra còn nhiều trường Cao đẳng và Trung cấp cho cả vùng Việt Bắc và có các trường dành riêng cho đào tạo ngành nghề cho từng tỉnh… Hệ thống các xã đều có điểm bưu điện- văn hóa, trạm y tế hộ sinh…

Về kinh tế gia đình ở Việt Bắc, nhiều hộ đã thực sự trở nên khá giả và giàu có, đại bộ phận dân chúng đã đủ ăn, đủ mặc. Nhưng cũng còn không ít các hộ nghèo, nhà nước hàng tháng phải cấp phát gạo thường xuyên cho họ để đảm bảo không có hộ nào bị đói. Kinh tế là yếu tố quan trọng tác động đến việc phát triển văn hóa. Dẫu hoàn cảnh đã thay đổi nhưng người Việt Bắc vẫn sống với nhau sắt son tình nghĩa. Khi họ đã tin yêu thì trước sau như một, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, no đói, sướng khổ cùng có nhau, coi trọng tình nghĩa hơn mọi vật chất, của cải. Đó chính là những giá trị vô cùng quý giá của người Việt Bắc. Những câu ca dao xưa đầy tính nhân bản nói về các việc đó nay vẫn lưu truyền: “Thương nhau nước đựng vào trong sàng không chảy/ Không thương nước đựng vào trong chậu cũng vẫn tràn…”.

Điều kiện địa lý khí hậu và thiên nhiên khắc nghiệt của vùng núi cao đã tôi luyện nên phẩm chất và chí khí của người Việt Bắc. Họ quan niệm yêu quê hương và yêu đất nước là một. Ngay từ ngày đầu cách mạng, người Việt Bắc đã tham gia rất đông đảo. Nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ vừa hoạt động cách mạng vừa sáng tác thơ tiếng Tày và thơ tiếng Việt. Hoàng Văn Thụ đã đem theo văn hóa Tày để làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Hoặc là trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam có 31 người dân tộc thiểu số đều quê ở Việt Bắc. Văn hóa các dân tộc Việt Bắc đã hun đúc và tạo ra những con người hết mực yêu quê hương và luôn hết lòng vì nước, vì dân.

Việt Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng cũng rất giàu về truyền thống văn hóa. Sự phát triển về văn học nghệ thuật hiện đại với đội ngũ các thế hệ văn nghệ sĩ đông đảo đã chứng minh điều đó. Các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa độc đáo và đặc sắc. Tháng giêng về Việt Bắc sẽ được xem rất nhiều lễ hội cùng với rất nhiều màu áo của các dân tộc khác nhau. Riêng chỉ lĩnh vực dân ca, người Tày có lượn Nàng ới, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng Hai, hát Then, hát Dã hai… Người Nùng có hát Sli... Người Dao có điệu Tồ dung... Người Mông có Tiếng hát làm dâu… Còn lĩnh vực nào cũng đều rất phong phú. Người Việt Bắc yêu thích dân ca, hay hát dân ca, biết lưu truyền gìn giữ các giá trị văn hóa và làm cho văn hóa phát triển.

12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường về Việt Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO