Duyên hội ngộ

Mai Liên 07/01/2016 11:12

Nếu tự hỏi trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam, triển lãm nói chung và triển lãm mỹ thuật nói riêng có bao nhiêu cuộc có tên liên quan đến “hội ngộ”, chắc rất khó trả lời, vì khá nhiều. Riêng trong tháng 1/2016 này, cả TP HCM đã có mấy cuộc như vậy, vì “hội ngộ” thường là ít khi nào hẹn trước giữa những người thân thiết.

Bức tranh sơn dầu “Quê tôi” của Đặng Hồng Vân

Như Cao Bá Quát: “Nhân sinh hội ngộ an khả thường” (Cuộc nhân sinh hội ngộ khó thường xuyên), triển lãm mỹ thuật Hội ngộ của Nguyễn Quý Kiên, Bùi Đức Tạo, Đặng Hồng Vân và Nguyễn Văn Vũ cũng hình thành từ tinh thần như vậy. Mà vì hội ngộ nên các tác giả rất tự do trong việc góp tác phẩm, không bị ràng buộc hay định hướng vào một chủ kiến, một chủ đích hoặc giám tuyển nào.

Nếu thế giới tranh của Nguyễn Quý Kiên là những ấn tượng lãng mạn về các bến cảng mà tác giả chớp bắt được trên hành trình ra đi, nơi “sương khói mờ nhân ảnh” hay cảnh vật chỉ còn là cái cớ cho nội tâm muốn tỏ bày. Một cảm giác hoài nhớ, một tìm kiếm khoảnh khắc yên bình, một đường về nhà xa lắc lư và biệt dạng, một nỗi chờ mong đến se sắt lòng… thì tranh của Đặng Hồng Vân lại là hành trình trở về ấu thời, với các phong vị, trò chơi, công việc, lễ hội… vùng Bắc bộ. Chọn lối biểu hiện kiểu trẻ thơ, dường như tác giả muốn bứt phá khỏi công việc thường nhật, và không gian trường quy của bản thân. Một hành trình trở về, nhưng lại hứa hẹn những khám phá còn hứa hẹn ở phía trước.

Nếu Bùi Đức Tạo mang đến triển lãm một ẩn ức màu sắc kiểu “lá diêu bông - tình chị duyên em”, với ấn tượng pha trộn giữa sự phai mờ và rõ ràng, rõ nét nhất là cách chơi màu sắc hơi thiên hướng liêu trai, ngẫu hứng, nó cho thấy sự nhạy cảm trong việc nắm bắt cái đẹp vốn rất mong manh... thì Nguyễn Văn Vũ lại là một ngôn ngữ khá hiện thực, từ chất liệu (điêu khắc) cho đến câu chuyện (biểu hiện tính hương xa của văn hóa H’Mông) đều khác. Anh giống Nguyễn Quý Kiên khi mô tả ngoại giới (trong khi Đặng Hồng Vân và Bùi Đức Tạo mô tả nội giới), nhưng cái cách của anh là bàng quan với thực tại. Nếu Nguyễn Quý Kiên muốn chi phối thực tại, thì Nguyễn Văn Vũ muốn thực tại (câu chuyện H’Mông) chi phối lấy mình.

Cho nên, duyên hội ngộ ở đây cũng là cái duyên của những câu chuyện tự do được ráp nối, để qua đó hòa thành một cuộc chơi miên viễn, ngẫu hứng.

Triển lãm mỹ thuật Hội ngộ, giới thiệu 33 sáng tác hội họa, đồ họa và điêu khắc của nhóm tác giả: Nguyễn Quý Kiên, Bùi Đức Tạo, Đặng Hồng Vân, Nguyễn Văn Vũ mở cửa từ ngày 9 đến 14/1/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Số 97A – Phó Đức Chính, Q.1, TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duyên hội ngộ