Tới nay, ghe vỏ lãi đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống, gắn bó với người dân miệt châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Từ những mùa nước nổi mênh mông cho tới cả những mùa khô nơi nhiều kinh rạch chỉ còn xâm xấp nước, những chiếc ghe vỏ lãi vẫn len lỏi khắp nơi…
Êm đềm miền sông nước.
Mỏng manh trên sóng nước
Nhiều người coi ghe vỏ lại là “xe ôm” trên sông với tác dụng chuyên chở người, hàng hóa, vật liệu, nông sản. Từ đi chợ, đi làm cho tới đám cưới hỏi, đi chùa hay đưa đón con cái đi học, ghe vỏ lãi đều được sử dụng thường xuyên.
Ghe vỏ lãi quan trọng và gắn bó mật thiết với hầu khắp các gia đình. Hầu khắp các con sông lớn hay những kênh rạch nhỏ bé tôi từng đi qua, đều có sự xuất hiện của những chiếc ghe vỏ lãi màu xanh-trắng và tiếng máy nổ è è quen thuộc.
Nhiều nơi, tôi còn thấy người dân làm nhà cho ghe vỏ lãi bằng cách đóng mấy cây cừ tràm ven kênh, lợp tạm lên đó mấy lá dừa nước hay tấm tôn mỏng để che nắng che mưa khi ghe không di chuyển. Vỏ lãi không chỉ là phương tiện, nó còn là người bạn quan trọng của từng mái nhà nơi miền sông mênh mông nước này.
Theo nhiều người dân vùng thượng nguồn sông Hậu ở Châu Đốc, Tân Châu (tỉnh An Giang) thì không phải những chiếc ghe vỏ lãi bằng nhựa comporit bền nhẹ, công suất lớn lướt bay bay trên mặt nước, những chiếc ghe gỗ, ghe bầu mới là thứ gắn bó với người dân nơi đây sớm nhất.
Từ vùng thượng nguồn giáp ranh với Campuchia này cho tới những cửa sông mênh mông vùng hạ lưu trước khi đổ về với biển hay những vùng trũng thấp ngập nước quanh năm Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên…
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những ghe vỏ lãi với nhiều đặc tính ưu việt hơn đã được mọi người chấp nhận, thay thế dần những cái cũ. “Một chiếc vỏ lãi công suất 2 ngựa hiện nay chỉ có giá khoảng gần 20 triệu đồng, tương tự như một chiếc xe máy bình thường nhưng lại rất nhiều công dụng.
Ghe có thể chở được hàng chục người, hay năm bảy tạ hàng hóa mà vận tốc cũng khá cao, lên đến hơn chục cây số mỗi giờ đồng hồ. Hơn nữa, vỏ lãi thường được làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp khá bền, chắc chắn, có thể sử dụng cả chục năm vẫn không hư hỏng nhiều. Chính vì thế, rất ít người sử dụng các loại ghe gỗ nữa”.
Anh Đặng Văn Tám, một người dân ở xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre) tâm sự, không chỉ riêng anh mà hàng trăm gia đình ở Tam Hiệp này đều có sử dụng vỏ lãi.
Thậm chí nhiều gia đình còn có tới hai ba chiếc bởi đây là xã cù lao, nằm lọt thỏm giữa mênh mang dòng sông Tiền rộng lớn. Ngoài những chuyến phà cố định, không còn cách di chuyển nào khác ngoài những chiếc ghe vỏ lãi nhỏ bé kia.
Thế nên, ngoài những ngày mùa hè thu hoạch trái cây thường xuyên phải di chuyển bằng ghe vỏ lãi, trong hầu hết các công việc khác, người dân cù lao cũng phải cậy nhờ những chiếc ghe bé nhỏ, mong manh này.
Được biết, với hàng trăm các cù lao nằm ở hạ lưu của những dòng sông Tiền, sông Hậu, Hàm Luông, Cổ Chiên…thì hình ảnh những chiếc vỏ lãi là vô cùng quen thuộc.
“Nhà tôi có chiếc vỏ lãi, tôi lắp thêm đầu máy nữa để tăng công suất rồi chở bà con trong vùng. Sáng thì mấy em nhỏ đi qua bên Chợ Gạo học hành, mấy bà nội chợ qua bến đó bán hàng, đi chợ còn chiều thì chở ngược lại. Nhiều khi có khách còn đi ghe ngược lên Bình Đại, Châu Thành hay xuôi về Gò Công, Vàm Láng nữa. Thậm chí nhiều người đau ốm cũng gọi vỏ lãi chở đi cho nhanh…”- anh Tám cho biết thêm.
Văn hóa miền sông nước
Khi những cây cầu, con đường, con đê mọc lên kết nối những tuyến đường cũng là lúc bản thân nó ngăn cách những vùng sông nước. Nếu không phải mùa nước nổi thì hạ tầng giao thông đã ít nhiều làm giảm không gian kết nối sông nước của người miền Tây.
Nghĩa là, chừng hơn chục năm trước, ngồi trên chiếc ghe vỏ lãi ở chợ Tuyên Nhơn (thị trấn Thạnh Hóa, Thạnh Hóa, Long An), người ta có thể ngược xuôi khắp vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn thì nay, ít nhiều đã bị chia cắt, phải khó khăn mới có thể len lỏi vào những xóm, những ấp sâu trong bưng đồng.
Thế nhưng, không vì thế mà ghe vỏ lãi bị lãng quên bởi như một nét văn hóa lâu đời, nhiều người dân ở miền Tây thường chọn cách di chuyển bằng ghe thay vì sử dụng xe gắn máy dù có thể đi đường bộ thuận tiện hơn.
Và sau nhiều lần ngồi trên những chiếc vỏ lãi như thế rong ruổi khắp miệt đồng bằng này, tôi đã “say” cái cảm giác mênh mang, gần gụi, hoang dại và thuần khiết khi lướt đi êm êm trên mặt nước thay vì len lách cùng những khói bụi xe máy.
Có bận, tôi đã ngồi lì bên bờ sông Sở Thượng ở ngay đoạn ngã ba biên giới sông nước Tân Hội (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) non nửa buổi sáng chỉ để ngắm nhìn và chìm đắm vào những chiếc ghe vỏ lãi mỏng mảnh đang rẽ sóng lướt đi ngoài xa xa kia.
Những chiếc ghe nhìn xa như chiếc lá tre, bồng bềnh trong sóng nước nhưng lại gần mới thấy rõ cái đầu máy quay tít mù, xé nước tung bọt trắng xóa. Trên chiếc ghe rộng hơn một mét, dài chừng năm mét đó thấy có đủ thứ, nào là trái cây, thùng xốp, thùng nhựa hay cả những bịch ni-lông lớn nhỏ…
Bà Bảy, một người dân địa phương cho biết, hầu hết người dân ở đây đều có ghe vỏ lãi, nhất là những nông dân ở sâu trong các bưng đồng hay những người làm ăn buôn bán ở chợ dưới thị xã.
“Ghe vỏ lãi ở đây nhiều vô kể, mà làm gì cũng cần phải có chiếc vỏ lãi để đi lại, tiện lắm các chú ơi. Nhất là mùa mưa, mùa nước nổi tràn về, nếu không có ghe thì không biết di chuyển đi đâu”.
Có lẽ, ngoài vùng đồng bằng châu thổ này, người ta không tìm thấy bất cứ nơi đâu mà ghe vỏ lãi xuất hiện nhiều, ở hầu khắp các sinh hoạt đời sống như vậy.
Đấy cũng là một nét văn hóa mà theo nhiều người bởi từ những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu cho tới những kinh rạch nhỏ bé vô danh hay những bưng đồng, bàu nước và thậm chí cả những cù lao, đồng ruộng đều được liên kết với nhau.
Đặc trưng này sẽ rõ ràng hơn mỗi mùa nước nổi bao trùm nhưng cũng là mạch máu bao đời, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào trong cuộc sống của người miền Tây.