Nước Anh đã chính thức khởi động các vòng đàm phán để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong hôm đầu tuần này, với mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dù chính phủ nước này hiện đã suy yếu rõ rệt sau cuộc bầu cử sớm tổ chức mới đây.
Một nhân viên EU thay cờ trước khi các phái đoàn đàm phán tới trụ sở của EU ở Brussels hôm 19/6. (Nguồn: AP).
Một năm kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý gây chấn động ở Anh, Bộ trưởng Brexit David Davis cùng trưởng phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã có cuộc gặp tại Ủy ban châu Âu, Brussels vào chiều ngày 19/6.
Vòng đàm phán này sẽ gặp phải 2 vấn đề lớn, đó là hạn chót tháng 3/2019 để định đoạt về tương lai nước Anh và trật tự của phương Tây sẽ bị đe dọa nếu không có thỏa thuận nào đạt được.
Tình thế hiện nay đã khác rất nhiều so với cách đây 12 tháng, khi mà làn sóng những người ủng hộ Brexit còn đang tăng cao, bởi hướng tiếp cận cứng rắn của nữ Thủ tướng Anh Theresa May đang bị hoài nghi sau kỳ bầu cử khiến đảng của bà mất ghế trong Quốc hội hôm 8/6 vừa qua.
“Dù còn cả chặng đường dài phía trước, nhưng số phận của chúng ta đã rõ ràng - một mối quan hệ đối tác sâu rộng và đặc biệt giữa Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) và EU. Một thỏa thuận chưa từng có trong lịch sử” - ông Davis nói trong một tuyên bố đưa ra trước cuộc hợp tại Brussels.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, cũng là một người theo quan điểm ủng hộ Brexit giống như ông Davis, đã đưa ra một viễn cảnh đầy tích cực.
“Tôi nghĩ toàn bộ tiến trình này sẽ dẫn tới một kết quả đáng mừng, mang lại lợi ích cho cả hai bên” - ông Johnson nói.
Theo vị quan chức này, tiến trình đàm phán chắc chắn sẽ không tránh khỏi tranh cãi về các điều khoản, về vấn đề tài chính, nhưng “điều quan trọng nhất là hướng tới tương lai và nghĩ về mối quan hệ đối tác đặc biệt mà chúng ta muốn xây dựng với các nước bạn”.
Hiện nay, nước Anh dường như đã chấp nhận quan điểm của EU rằng các vòng đàm phán cần phải tập trung vào 3 vấn đề chủ chốt, trước khi cả hai bên thiết lập mối quan hệ giữa UK và EU trong tương lai và một thỏa thuận thương mại song phương khác.
Các vấn đề chủ chốt này bao gồm ngân sách dành cho Brexit, được Brussels ước tính lên tới 100 tỷ Euro (112 tỷ USD), quyền lợi của 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh và 1 triệu công dân Anh đang sinh sống ở EU, hiện trạng về đường biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland.
Các vòng đàm phán đã chính thức được khởi động vào lúc 16h00 ngày 19/8 (giờ VN), tiếp đó là một cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Pháp kiêm Cao ủy EU Michel Barnier và Bộ trưởng Brexit David Davis.
Sau cú chấn động từ cuộc trưng cầu tách khỏi EU tổ chức ở Anh hồi năm ngoái và cả làn sóng phản đối EU đang trỗi dậy, khối liên minh gồm 27 quốc gia thành viên này dường như đã lấy lại được động lực của mình trong những tháng gần đây, đặc biệt là nhờ chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - một người chủ trương ủng hộ EU và hứa hẹn mang tới làn gió mới cho khối này.
Ông Macron, một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã dễ dàng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội tổ chức mới đây, tiếp tục củng cố quyền lực của mình.
Do lo ngại về làn sóng di cư và khả năng chủ quyền bị xói mòn, Anh đã bỏ phiếu hồi năm ngoái để cho ra kết quả rời khỏi EU, trở thành quốc gia đầu tiên trong khối thực hiện cuộc chia ly sau 4 thập kỷ gắn bó.
Kể từ đó, EU liên tiếp thúc giục Anh đẩy nhanh tiến độ Brexit để đạt một thỏa thuận, trong khi đã trải qua 3 tháng kể từ khi nước này kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nhằm khởi động tiến trình này. Ngược lại, Anh đe dọa sẽ rũ áo ra đi mà không cần thỏa thuận này, khiến nhiều nước EU lo ngại.
Tuy nhiên, theo giới quan chức EU, các vòng đàm phán trong ngày đầu tiên sẽ chỉ tập trung vào việc lên lịch làm việc rõ ràng cho các tháng tới, chứ chưa bàn luận về các vấn đề chủ chốt.
Nhiều quan chức của EU ngay trong hôm 19/6 đã thể hiện rõ quan ngại rằng chính quyền London không hề có một chiến lược cụ thể, trong lúc mà Thủ tướng May đang chịu sức ép trong nước, phải đàm phán với một đảng của Bắc Ireland để duy trì quyền lực và đối mặt với nhiều chỉ trích sau vụ hỏa hoạn tòa chung cư xảy ra ở London mới đây.
Chính phủ của bà May từng theo đuổi một chiến lược có tên “Brexit cứng rắn”, tức rời khỏi thị trường đơn EU và liên hiệp hải quan để kiểm soát tốt hơn vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, sau khi để mất đa số ghế trong kỳ bầu cử Quốc hội hôm 8-6 vừa qua, chính sách này và ngay cả tương lai chính trị của bà May đang chịu rủi ro lớn.