Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu vòng họp thứ hai hôm 29/6 trong cuộc họp thượng đỉnh tổ chức ở Brussels mà không có sự góp mặt của Anh, sau khi nước này lựa chọn rời khỏi khối.
Phần ghế ngồi của nước Anh tại Brussels để trống trong ngày họp thứ hai (Nguồn: Reuters).
Trong cuộc họp khủng hoảng lần này, 27 quốc gia thành viên cùng thảo luận về các kế hoạch ứng phó với Brexit - Anh rời khỏi EU - mà lần đầu tiên trong 40 năm qua, không có sự tham gia của Anh trong các vòng đàm phán. Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã nhấn mạnh rằng việc tiếp tục hợp tác thương mại và an ninh với EU là tối quan trọng với nước này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã thúc giục EU “tôn trọng kết quả” trưng cầu dân ý ở Anh. Bà cùng các nhà lãnh đạo khác cũng nhắc lại lời kêu gọi Anh đưa ra các kế hoạch để rời khỏi khối này càng sớm càng tốt. EU khẳng định rằng sẽ không có cuộc đàm phán với Anh cho đến khi nước này chính thức kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon - tức khởi động quá trình đàm phán rút khỏi EU.
Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng Điều 50 cần phải được kích hoạt bởi người kế nhiệm ông để bắt đầu tiến trình này một cách hiệu quả. Ông Cameron đã rời khỏi vòng họp đầu tiên vào đêm 28-6 mà không đưa ra được kế hoạch nào cụ thể, trong khi phải chịu sức ép nặng nề từ các đồng nhiệm trong khối EU.
Trong vòng họp đầu tiên, ông Cameron nói rằng phần còn lại của EU đều muốn có mối quan hệ gần gũi nhất có thể với Liên hiệp vương quốc Anh sau sự kiện Brexit, tuy nhiên thêm rằng, vấn đề di cư đã gây nên mối quan ngại lớn đối với cử tri nước Anh.
Luận điểm này đã bị giới chính trị gia Đức lên án, họ nói rằng Anh không thể chỉ thu lợi ích từ EU mà còn phải chấp nhận cả việc di chuyển tự do trong khối các nước thành viên. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ không còn đường thoái lui.
“Chúng tôi thấy rằng không có cách nào để đảo ngược điều này. Đây không phải lúc để suy nghĩ hay ước ao, mà phải đối diện với thực tế” - bà Merkel nói.
Ngoài ra, EU cũng đưa ra một tuyên bố trong đó bác bỏ các thông tin trước đó cho rằng tiếng Anh sẽ bị loại khỏi danh sách ngôn ngữ chính thức của khối.