Sau 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) nằm trong 3 nhóm thị trường nhập khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Hết quý 2, tận dụng các thuế quan ưu đãi của EVFTA, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20 - 30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng nhận định, Hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi 2 năm với những ưu đãi về thuế quan, nhiều lô hàng của Trung An đã được xuất khẩu sang thị trường EU và thời gian tới sẽ tiếp các container. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty Trung An tăng tới 68%, và riêng kim ngạch tăng tới 19%; trong đó, châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực được xuất sang thị trường này.
Đối với ngành thủy sản đánh giá lợi thế mà EVFTA mang lại, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, EU từng là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam nhưng sau đó đã rơi xuống vị trí thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Lý do là, xuất khẩu cá tra, tôm cũng như các hải sản khác sang thị trường EU liên tục sụt giảm.
Tuy nhiên, EVFTA đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Các nhóm hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Năm 2022, trong bối cảnh lạm phát nhưng các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét. Xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn giữ được tăng trưởng 28% trong tháng 7/2022 và luỹ kế 7 tháng đạt 829 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh những lợi thế đem lại theo bà Hằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. “Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Bộ Công thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU” - bà Hằng cho biết.
Do vậy, để tận dụng thị trường EU, theo bà Hằng, doanh nghiệp phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thẻ xanh để tăng cơ hội cho thủy sản. Bởi nếu chuyển sang thẻ đỏ sẽ có nguy cơ mất thị trường EU và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng với thủy sản xuất khẩu sang EU. Hơn nữa, đây còn là thị trường định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư về khoa học công nghệ cho con giống, thức ăn chăn nuôi, nhất là tăng cường giải pháp để tận dụng được chế biến phụ phẩm trong ngành thuỷ sản, bởi phụ phẩm chiếm khoảng 40-50% sản lượng thuỷ sản.