Quốc tế

Eurozone trước dự báo ảm đạm

Thanh Đức 15/01/2024 13:12

Ngày 14/1, kết quả cuộc khảo sát do Financial Times thực hiện cho rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 nước dự kiến sẽ chỉ có mức tăng trưởng kinh tế +0,6% trong năm 2024.

anhbaitren16.jpg
Khách hàng cân nhắc khi mua thực phẩm trong siêu thị ở Frankfurt (Đức). Nguồn: THX.

Trong khi đó, theo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Eurozone có thể sẽ tăng trưởng lần lượt 0,8% và 1,2% trong năm nay. Dự báo này cao hơn so với Financial, nhưng vẫn “ảm đạm”.

Giới chuyên gia kinh tế châu Âu cho rằng, tăng trưởng tiền lương trong Eurozone dự kiến chỉ đạt 1,4% vào năm 2024, trong khi giá tiêu dùng được dự đoán sẽ tăng trung bình hơn 2,5%. Nhóm nghiên cứu của ECB đưa ra dự báo, Eurozone sẽ phải đối mặt với giá tiêu dùng tăng, trong khi thu nhập của người dân “đứng yên”. Như vậy, cực tăng trưởng kinh tế này sẽ không mấy sáng sủa so với năm 2023.

Julienne Rocher - một người nội trợ Bỉ cho rằng, mọi thứ đều đắt đỏ suốt từ giữa năm 2023 tới nay. “Đã qua 2 tuần của năm mới 2024, dù nhiều hứa hẹn được đưa ra nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy giá cả xuống chút nào” - bà Rocher than thở.

Trong khi đó, thống kê từ Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy kết thúc năm 2023 cả xuất khẩu và nhập khẩu ở khu vực này đều giảm, con số lần lượt là 2,4% và 16,3%. Điều đó cho thấy nền kinh tế vận hành rất chậm chạp.

Tại Đức - quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), người dân rất lo ngại khi giá thuê nhà chẳng những không giảm mà lại tiếp tục tăng. Đáng chú ý, có tới 46% người Đức ở nhà thuê (con số đó của chung châu Âu là 32%).

Việc tìm kiếm một căn hộ rộng hơn, gần trường và quan trọng là có giá thuê nhà “chấp nhận được” đã trở thành nỗi muộn phiền của nhiều gia đình người Đức. Gia đình 3 người của chị Corinna Baumann đã phải cân nhắc lại nhu cầu này do giá nhà thuê tại thành phố Munich đã tăng tới 22% so với năm 2023. Hiện 1m2 cho thuê ở Munich là hơn 20 euro (tương đương 538.000 đồng).

"Cũng có căn hộ trống quanh khu vực tôi sống. Nhưng nếu để cân nhắc việc có thêm 1 phòng ngủ và mức giá thuê phải bỏ ra là 2000 euro (gần 54 triệu đồng) thì quá phi lý" - chị Corinna nói.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, người dân quốc gia này đang phải dành 1/3 thu nhập để chi trả cho tiền thuê nhà mỗi tháng.

Theo ông Stephan Kippes (Đại học Nurtingen Geislingen), giá thuê nhà ở Đức đã vượt quá khả năng chịu đựng của người lao động có mức thu nhập trung bình. Đáng tiếc là ở thời điểm giữa tháng 1/2024, vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu kinh tế của Đức, số lượng nhà xây mới tại quốc gia này giảm 32% trong giai đoạn 2023 - 2025.

Vậy, điều gì chờ đợi nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2024?

Nhà kinh tế trưởng Moritz Kraemer của ngân hàng lâu đời nhất nước Đức (Landesbank Baden Wurttemberg) nói rằng, ông không muốn tranh luận về việc kinh tế tăng 0,2% hay giảm 0,2%. Vì thực tế là kinh tế Đức đang trì trệ. “Chúng ta đang chuyển động theo kiểu “nền kinh tế lượn sóng”. Tức là nó lên xuống một chút, nhưng thực ra chúng ta vẫn đang nằm phẳng trên mặt đất” - tiến sĩ Moritz nói một cách hình ảnh.

Những lý do khiến kinh tế Đức rơi vào trì trệ được cho là do người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu khi lạm phát và giá cả tăng cao. Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu trì trệ gây căng thẳng cho các nhà xuất khẩu, vốn từng là động lực của nền kinh tế Đức. Bộ Kinh tế nước này cho rằng, muốn nhanh chóng vượt thoát thì Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải hành động khẩn trương. Dự báo kinh tế hiện tại của Chính phủ Đức vẫn giả định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,3% cho năm 2024. Nhưng gần như tất cả các nhà phân tích kinh tế có uy tín nhất đều dự đoán mức tăng trưởng GDP của Đức sẽ dưới 1% trong năm nay. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng 0,6%. Ngược lại, mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ 38 quốc gia thành viên OECD ước tính là 1,4%.

Nhà kinh tế của OECD, bà Isabell Koske cho rằng năm 2024 không có cách nào khác Chính phủ Đức cũng như các quốc gia khu vực Eurozone phải giảm chi tiêu, tăng doanh thu và nhất là phải “phanh nợ”.

Nhưng “không phải cứ muốn là được”, theo Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel - tiến sĩ Moritz Schularick thì nền kinh tế Đức là trụ cột của EU, nên khó khăn của nó sẽ rất lớn. Hiện Đức đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong tổng số các nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng thoát ra khỏi trì trệ thì vị trí đó cũng khó giữ được; kéo theo sự “tụt hạng” của đồng tiền chung châu Âu.

Báo cáo của ECB cho rằng, năm 2024, thách thức vẫn bủa vây EU. Ông Fabrizio Campelli - thành viên hội đồng quản trị Deutsche Bank có trụ sở tại Đức đánh giá, hiện giao dịch tài chính doanh nghiệp khu vực này rất thấp. Tính đến tháng 12/2023, giá trị giao dịch toàn cầu đạt 2.669 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005; trong khi tổng giá trị giao dịch tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi chỉ đạt 616 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Việc mở rộng chi tiêu công thời gian dài đã dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng mạnh và tỷ lệ nợ chính phủ cao hơn trên toàn Eurozone. Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos kêu gọi các ngân hàng trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, đồng thời khuyến nghị cơ quan quản lý yêu cầu các quỹ đầu tư nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn. Thời điểm sớm nhất để ECB xem xét đưa ra quyết định hạ lãi suất và bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ có thể là vào tháng 6/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Eurozone trước dự báo ảm đạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO