Giờ thì Hà Nội đã cho F0 mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Nhưng hơn một tháng trước, khi số ca chỉ dao động trong khoảng 200 ca/ngày thì F1 cũng vẫn phải đi cách ly. Lúc đó, tôi bị mắc F0 và đi cách ly. Tự tin và rèn luyện vượt lên dịch bệnh, sau 14 ngày tích cực điều trị, kết quả của tôi là âm tính và được xuất viện.
Bối cảnh
Tôi nhớ mãi hôm đó là tối thứ 6, dịp cuối tháng 11, tôi chở vợ con lên xe máy dạo quanh một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, sang hồ Tây rồi vòng về. Trên đường đi luôn cố tránh đứng xe gần người khác dù có ở chỗ ngã tư đèn đỏ. Đã lâu lắm rồi, có lẽ phải hơn tháng nay vợ con tôi luôn ở nhà…
Về đến nhà khoảng hơn 9 giờ tối, vừa kịp cho xe vào nhà thì tôi nghe tiếng ai đó hò hét bên ngoài. Tôi mở cửa. Những bóng người mặc đồ áo trắng lấp ló đang hò hét và khiêng rào sắt. Nhìn thấy tôi họ nói to: “Vào nhà ngay”. Tôi đóng cửa. Mùi thuốc nồng nặc bắt đầu bao trùm…
Vậy là cậu hàng xóm dính F0 rồi. Vậy là dịch ập đến cửa nhà mình rồi, không còn trên ti vi và trên “phây” nữa.
Tôi không tiếp xúc gần với cậu ta hơn hai tuần rồi. Nhưng còn con trai cậu thì thi thoảng có sang nhà tôi chơi.
Hôm sau, y tế phường và Trung tâm y tế quận đã gọi vợ con và mẹ đẻ cậu hàng xóm đi lấy mẫu xét nghiệm PCR. Trong khoảng thời gian đó, nhà hàng xóm không khai có tiếp xúc gần với tôi và những người trong gia đình tôi. Còn tôi, tôi cũng nghĩ sẽ phải làm xét nghiệm cho mình và gia đình. Nghĩ vậy, tôi gọi điện thoại cho y tế phường và Trung tâm y tế quận tự nhận mình và mọi người trong gia đình là F1.
Mùi thuốc phun của nhà hàng xóm khiến tôi nhức đầu, sổ mũi. Hai hôm trước tôi đã thấy mệt định uống thuốc nhưng thôi. Nay thì phải uống.
Qua hai hôm sau, nhà cậu hàng xóm có kết quả thêm 3 người dương tính. Đó là vợ và 2 con trai. Còn bà mẹ đẻ cậu ta bệnh nền, lại già yếu lại không mắc. Kể cũng lạ.
Tôi và mọi người trong gia đình được gọi đến Trung tâm y tế quận lấy mẫu xét nghiệm. Chiều hôm sau, tôi có kết quả dương tính, mọi người thì không.
Tôi đề nghị không đi cách ly ở bệnh viện, tôi nói triệu chứng mình nhẹ. Kỳ thực lúc đó mũi bắt đầu có dấu hiệu khó nhận biết mùi. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đau đớn ở bệnh viện và nghĩ mình sẽ tập luyện chữa bệnh.
Trong thời gian ở nhà chờ được đưa đi cách ly, tôi ở phòng riêng, ăn riêng. Đêm ấy, tôi làm việc đến hơn 1h sáng mới ngủ. 6 giờ sáng chuông điện thoại đã reo và 115 gọi điện nói 10 phút nữa tôi mở cửa để họ đưa đi cách ly.
Tôi gọi điện luôn cho vợ nói có cái gì ăn tạm thì để cho mình ngoài cửa để mang đi. Cái máy tính nữa. Còn tôi đánh răng rửa mặt và vơ vội túi thuốc Tây, túi tỏi, gói muối…Nhân viên y tế gọi điện giục tôi đi xuống. Tôi được đưa đến cách ly ở Pháp Vân. Đó là khu ký túc xá sinh viên. Khu này mới mở. Bệnh viện Hà Đông lo chuyên môn còn Bộ Tư lệnh Thủ đô lo công tác hậu cần, gồm: ba bữa ăn, chăn, màn, chiếu, khăn mặt, thuốc đánh răng, chậu, dép, chổi, giấy vệ sinh.
Chú ý SpO2
Trước khi dính F0, tôi chả hiểu SpO2 là cái gì. Nhưng ai mắc F0 thì phải biết. Nhân viên y tế tiếp nhận F0 ở tầng 1. Họ ở trong phòng kính kín mít. Người bệnh ở sảnh bên ngoài. Tiếp nhận và sơ khám ban đầu bằng số điện thoại viết trên giấy dán ở ngoài. Nhân viên y tế nói tôi đo SpO2. Họ nói kẹp ngón tay vào máy nhỏ. Tôi kẹp tay và thấy hiện lên hai dòng số. Họ nói để ý ở dòng chữ bên trên, một dòng sẽ chỉ SpO2 và một dòng sẽ chỉ nhịp tim. Tôi thấy SpO2 chỉ 93. Họ nói tôi làm nóng tay và đo lại. Tôi làm nóng tay bằng cách xoa tay và nhau sau đó đo được 95. Họ gật đầu nói tôi rẽ phải đi cầu thang máy lên tầng 19 về phòng.
Bấy giờ tôi mới tra SpO2 xem nó là cái gì. Hóa ra đó là chỉ số lượng oxy trong máu. Nếu từ 95 đến 99 là bình thường. 100 thì quá tốt. Còn dưới 95 là phải thở máy. Dưới nữa thì nguy đến tính mạng.
Vậy là chỉ số này vô cùng quan trọng, SpO2 sẽ cho biết con vi khuẩn tấn công phổi đến mức độ nào? Tôi chứng kiến có người cách ly 8 ngày không triệu chứng nhưng bỗng nhiên đến ngày thứ 9 lại trở nặng khó thở. Do đó cần theo dõi sát sao chỉ số SpO2.
Tôi bắt đầu sốt gần 38 độ C. Uống thuốc hạ sốt bệnh viện cho mà vẫn cứ thấy ngây ngấy. Khứu giác và vị giác của tôi không nhận biết được mùi, vị trong 5 ngày. Những ngày đó ăn cơm cứ trệu trạo. Nhưng vẫn phải nuốt. Không được bỏ bữa. Tôi không biết ăn ớt. Thế mà bữa ấy tôi ăn thử nửa quả không thấy tê lưỡi, chỉ thấy mồ hôi túa ra.
Tôi uống đều thuốc bệnh viện cấp, có hạ sốt, C sủi và gói bột thuốc bù điện giải. Tôi bị ho. Có lúc ho rũ rượi. Mặt mũi nóng bừng, vã mồ hôi. Tôi nhắn zalo cho bác sĩ để hỏi và xin thuốc. Trong khu cách ly này toàn khám bệnh kiểu nhắn zalo. Như thế tránh tiếp xúc trực tiếp. Ai bị nặng thì xuống phòng cấp cứu, sẽ có bác sĩ trực. Bác sĩ nói chịu được thì đừng uống thuốc chống ho. Cứ để ho cho long đờm.
Rồi mũi cũng nhiều chất nhầy quá. Mỗi lần lấy bình xịt nước muối pha loãng vào mũi, lại ra rất nhiều. Ngày thứ 4 vào cách ly, bỗng nhiên tôi thấy mình ho ra máu. Thoáng chút giật mình, tôi trấn tĩnh. Có thể do mình ho quá làm giãn phế quản chăng. Tôi nghĩ sẽ để quan sát, nếu sau nửa tiếng nữa vẫn bị thì sẽ báo bác sĩ. Cũng may, sau đó cơn ho dịu lại và tôi không thấy ra máu nữa. Mất chục ngày như thế mới hết.
Đi bộ lên xuống 19 tầng nhà
Ngay từ hôm đầu vào cách ly, tôi đã thấy phổi khó thở. Cảm giác thở như hụt hơi. Có cái gì đó nằng nặng trong phổi. Nhất là thấy lạnh lưng, lạnh phổi từ phía lưng nếu không có tấm áo khoác lót trên chiếu. Tôi cố ngồi dậy thở. Rồi tập thở đều đều. Hít vào thì phình bụng, nén hơi ở đan điền, lưỡi để lên hàm răng trên. Nhịn hơi giây lát thì từ từ thở ra. Cứ thế, vài ngày phổi thấy thở đỡ hơn.
Trong khi nhiều thanh niên vào cách ly nằm ườn, dán mắt vào điện thoại thì tôi nghĩ mình cần phải tập thể dục. Sân tại khu cách ly tuy rộng nhưng dành để bộ đội đi lại, vận chuyển đồ ăn, đồ tiếp tế nên F0 chỉ loanh quanh trong hành lang các tầng nhà và khoảng hai chục mét dưới sân. Cách thể dục của tôi là đi bộ từ tầng 19 xuống tầng 1. Đứng nghỉ ít phút rồi lại đi bộ lên tầng 19. Vì lâu rồi không leo bộ các tầng nhà kiểu thế này nên chân tôi mỏi nhừ. Đêm khi ngủ thấy bọng chân còn tưng tức đau. Đến ngày thứ 3 thì quen dần. Đi bộ toát mồ hôi, khó thở thì dừng lại để thở, rồi thì lại đi tiếp…
Cứ thế ngày đi bộ 3 lần leo lên leo xuống. Tôi quan sát thấy các tầng 5-6 có rất nhiều trẻ nhỏ. Nhiều cháu chỉ hai, ba tuổi. Cháu bé nhất tôi nhìn thấy chưa được một tháng tuổi. Mẹ cháu bé lo nghĩ quá nên mất sữa, cháu phải uống sữa bột.
Những người cách ly được khoảng chục ngày sẽ được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Hôm sau, ai có kết quả âm tính hoặc chỉ số Ct trên 30 (tức là lượng virus còn trong người bệnh không thể lây nhiễm cho người khác) khi tiếp xúc. Chỉ số Ct của tôi là 28. Vậy là phải ở lại. Hai hôm sau, tôi được xét nghiệm lại. Và kết quả như niềm tin ở chính mình, mẫu xét nghiệm hai ngày sau của tôi là âm tính… Về nhà, tôi lại tự cách ly ở nhà thêm 7 ngày nữa theo quy định của ngành y tế.