Facebook đang phải trải qua thời đoạn tồi tệ nhất kể từ từ năm 2012 khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng: chỉ trong 1 ngày, gần 120 tỉ USD đã biến mất trên sàn giao dịch chứng khoán. Giới quan sát đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một va vấp nhất thời, hay là dấu hiệu mở đầu cho giai đoạn suy thoái của “người khổng lồ” công nghệ?
Ông chủ Facebook Zuckerberg tại phiên điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ngày 10/4/2018.
Facebook mất 119 tỉ USD. Zuckerberg mất 16 tỉ USD
Trong phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 19% xuống 176,26 USD/cổ phiếu, qua đó khiến giá trị của “ông lớn” trong ngành công nghệ này bốc hơi khoảng 119 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Riêng giá trị tài sản của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg giảm tới 16 tỷ USD.
Đây có phải chỉ là trở ngại tạm thời hay là sự khởi đầu một giai đoạn “đau đớn” của trang mạng xã hội khổng lồ này. Và liệu những “người khổng lồ” công nghệ khác có gặp phải sự cố tương tự trong tương lai không? - Michael Lee, nhà quan sát công nghệ hàng đầu của Đại học Yan đặt vấn đề.
Trước đó, chính nhân vật này cũng đã lên tiếng dự báo “gót chân Asin” của Facebook xung quanh vấn đề bảo mật thông tin, do hoạt động khai thác dữ liệu của người dùng một cách không kiểm soát, và thiếu ngăn chặn việc phát tán những tin tức và thông tin tuyên truyền giả mạo.
Cùng với Apple, Goodgle, Amazon - Facebook là “đại gia công nghệ” hàng đầu, đã tạo ra sự tăng trưởng vô tiền khoáng hậu về cả doanh thu và giá cổ phiếu trong nhiều năm liên tục. “Dường như những công ty và doanh nghiệp này không thể bị dừng bước, ngay cả khi phải đối mặt với những áp lực về pháp lý, sự không hài lòng của người dùng và những câu hỏi về tác động của họ đối với xã hội” - M.Lee từng nhận xét.
Tuy nhiên, việc bán tháo cổ phiếu Facebook trong các ngày 26 và 27/7 được coi là bằng chứng rõ ràng rằng không gì có thể phát triển mãi mãi. Mọi thứ có thể vẫn sẽ xấu đi với Facebook, vì rằng những quy định về bảo mật dữ liệu của châu Âu bắt đầu được áp dụng vào ngày 25/5, đồng nghĩa với việc chúng mới chỉ có hiệu lực trong tháng cuối cùng của năm 2018 - đã phát huy tác dụng.
Như vậy, tới thời điểm này, đã hơn 1 năm kể từ khi CEO Zuckerberg công bố một tuyên ngôn dài 5.000 từ cho rằng Facebook sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng cách thúc đẩy sự tham gia của người dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng "đại gia" này dường như đang bị giằng xé giữa những giá trị xã hội và mục tiêu kinh tế của họ. Và tới nay, “bộ óc công nghệ kinh doanh vĩ đại nhất trong vòng 100 năm qua” - Zuckerberg, đã “thấm đòn”.
Theo Guardian, vấn đề cốt lõi dường như nằm ở tốc độ tăng trưởng doanh thu đi xuống, trong đó có việc sụt giảm doanh thu quảng cáo tại thị trường Âu/Mỹ. Tỉ suất lợi nhuận của nó đã bị bào mòn, trong khi thật kỳ lạ là đối thủ cạnh tranh vẫn không xuất hiện. Và đó cũng chính là nỗi lo ngại âm thầm của Facebook.
Bước ngoặt và thách thức
Sự tụt dốc cổ phiếu của Facebook ở mức độ kinh hoàng khiến người ta nhớ lại hành trình đưa Mark Zuckerberg ra điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ - được coi là bước ngoặt lịch sử với Facebook và là thách thức lớn nhất mà Zuckerberg từng phải đối mặt trong đời.
Giữa tháng 3 năm nay, báo New York Times đăng bài viết gây chấn động về việc công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook (sau đó được xác định lại là 87 triệu tài khoản) mà họ không hề hay biết.
Cụ thể, từ năm 2014, Aleksandr Kogan - giảng viên tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý cũng như đồng ý chia sẻ thông tin như tên tuổi, địa chỉ, những nội dung họ đã "like".
Tuy nhiên, họ không biết rằng ứng dụng đó còn thu thập cả thông tin về những người trong danh sách bạn bè của họ rồi bán lại cho công ty Cambridge Analytica. Đây không chỉ là bê bối của CA, vì rằng bản thân CA chẳng thể làm được gì nếu như Facebook không "bật đèn xanh".
Từ đó những cuộc điều tra về hoạt động bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Facebook được tiến hành. Các chính trị gia yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải ra điều trần trước Quốc hội.
Ngày 27/3, Mark Zuckerberg từ chối có mặt tại buổi chất vấn trước Nghị viện Anh liên quan đến scandal của Cambridge Analytica, mà cử hai lãnh đạo cấp cao của công ty đi thay. Hành động này khiến CEO 33 tuổi bị chỉ trích là "hèn nhát" và "lạ lùng". Tới 4/4, Facebook cho biết ông chủ của họ đã đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hai ngày 10/4 và 11/4.
"Cuộc điều trần là cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng" - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hạ viện Greg Walden đánh giá.
Ngày 10/4, Mark Zuckerberg xuất hiện tại Điện Capitol trong trang phục vest xanh đậm, áo sơ mi trắng và cà vạt xanh dương thay vì mặc áo phông xám thường thấy. Trong buổi chất vấn kéo dài tới 5 tiếng ở Thượng viện, Mark Zuckerberg nhận 44 câu hỏi từ các Thượng nghị sĩ - con số được đánh giá là cao bất thường.
"Nhìn chung, Zuckerberg đã bình an trải qua phiên điều trần, không chịu nhiều áp lực khi các Thượng nghị sĩ tỏ ra nhẹ nhàng hơn kỳ vọng" - tạp chí Fortune nhận định.
Tại đây, Mark Zuckerberg đã thắng, nhưng là một chiến thắng chưa đủ thuyết phục. Dù vậy thì thành công trong lần đối đầu này cũng giúp giá trị của Facebook tăng thêm 26 tỉ USD.
Nói về thất bại của lưỡng viện Quốc hội Mỹ trước Zuckerberg, nhà hoạt động chính trị Zephyr Teachout cho rằng đó chỉ là “chiến thắng tạm thời” của ông chủ Facebook.