Fed tăng lãi suất: Kinh tế Việt Nam có bị rung lắc?

H.Hương - M.Sang 28/09/2022 06:35

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đa quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ 2018 nhằm kiềm chế lạm phát. Theo các chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất đa và đang tác động tới kinh tế toàn cầu mà Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu tăng lãi suất huy động. Ảnh: Quang Vinh.

Chi phí của doanh nghiệp ngày càng đắt đỏ

Tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Fed khiến chi phí vay thế chấp, mua ô tô hoặc vay kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Khi đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) có thể sẽ vay và chi tiêu ít hơn, từ đó giảm lạm phát, điều này cũng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế. Chưa dừng lại ở đó, động thái tăng lãi suất của Mỹ chắc chắn có tác động tới Việt Nam. Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất, những tác động đến kinh tế trong nước thể hiện rất rõ. Cụ thể, khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD, kéo theo tỷ giá tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.

“Khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất trong nước những tháng cuối năm có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho DN” – ông Lực nói.

Và quả thực, ở trong nước, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất huy động.

Trong số đó phải kể đên ACB là ngân hàng đầu tiên nâng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên mức chạm trần với gói tiết kiệm Tài lộc, kỳ hạn 1- 3 tháng có mức lãi suất 5%/năm (riêng kỳ hạn 1 tháng với tiền gửi dưới 100 triệu đồng là 4,9%/năm). Lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB đồng loạt tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết đã lên tới 7,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng đối với khách hàng ưu tiên và 7,2%/năm cho khách hàng thường.

Tương tự, VietCapital Bank cũng nhanh chóng áp dụng mức trần lãi suất 0,5% cho kỳ hạn dưới 1 tháng; 5% cho các kỳ hạn 1 – 5 tháng; Ngân hàng này cũng là một trong những ngân hàng có biểu lãi suất các kỳ hạn dài tương đối cao: 7,3%/năm đối với kỳ hạn 12 – 18 tháng và 7,5%/năm với kỳ hạn 24 tháng, áp dụng cho tiền gửi online.

Tại BacABank, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng dao động trong khoảng 4,5 – 4,8%/năm. Mức lãi suất 7,2%/năm được ngân hàng này áp dụng cho các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng…

Nhiều khả năng, tuần tới, thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động song điều đáng lo nhất là sẽ tác động tới lãi suất cho vay.

Lãnh đạo một công ty chuyên xuất nhập khẩu nhựa ở Hà Nội cho biết, đã được giải ngân 5 tỷ đồng sau 2 tháng mòn mỏi chờ đợi. Tuy nhiên, số vốn được giải ngân mới chỉ đáp ứng một nửa khoản vay trong hợp đồng. Đáng chú ý, lãi vay tăng lên 9,2%/năm, cao hơn 0,7% so với hồi đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy cho hay, khoản vay của công ty này sắp tới kỳ đáo hạn, nếu tiếp tục được vay, ông cũng lường trước lãi suất cho vay không còn giữ ở mức thấp như trước nữa. “Lãi suất cho vay tăng sẽ khiến DN thêm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chúng tôi đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án thay vì triển khai cùng lúc nhiều dự án như trước, chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án sắp hoàn thành, rồi mới triển khai tiếp để tiết kiệm vốn” - ông Hoàng nói.

Các doanh nghiệp đang đối diện với nguồn vốn lãi suất cao khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất. Ảnh: Quang Vinh.

Giá hàng hóa sẽ tăng?

Khi việc vay vốn gặp khó khăn bởi mặt bằng lãi suất tăng, điều bắt buộc là DN phải cơ cấu lại dòng tiền. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính khuyến nghị, DN nên tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiết kiệm cũng như đa dạng hóa nguồn vốn hơn. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NP-CP về phát hành trái phiếu DN, DN có thể xem đây là điểm tựa để khởi động lại kênh huy động vốn bằng trái phiếu, giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Việc DN buộc phải xem xét lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động là tất yếu. Nhưng với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, giá cả cũng đã bắt đầu được dự báo là sẽ thay đổi.

Chị Hoàng Anh, chủ một siêu thị mi ni trên phố Ngọc Thuỵ (Gia Lâm – Hà Nội) chia sẻ, tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu về buộc phải tăng giá. Chẳng hạn như kem dưỡng ẩm mùa đông hiệu của Mỹ tăng từ 165.000 đồng lên 172.000 đồng/hộp 50ml .

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên viên phân tích của Công ty Đầu tư quốc tế Hữu Nghị, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến giá cả của nhiều ngành hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu. “Thị trường hàng hóa thường có độ nhạy lớn với lãi suất vì liên quan đến chi phí vốn, chi phí hàng tồn kho và chi phí quản trị rủi ro. Một số nhóm ngành hàng Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng nên khi tỷ giá biến động có thể ảnh hưởng đến giá vốn nhập vào. Từ đó có thể tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của các DN trong những nhóm ngành trên” – vị này phân tích.

Tìm cách hóa giải

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đủ sức chống chọi với những khó khăn hiện hữu. Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: Kinh tế Việt Nam khá ổn định trong môi trường như hiện nay, tất nhiên các yếu tố rủi ro cũng vẫn cần được cân nhắc. Nhưng Việt Nam đang có điều kiện vượt bão khá tốt so với những quốc gia láng giềng thuộc Đông Nam Á. Dự báo về tỷ lệ lạm phát, ADB cho rằng, đến cuối năm tỷ lệ lạm phát chỉ là 3,8%. Mức nợ công cũng tương đối thấp, chỉ chiếm 43% GDP.

"Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài" - ông Andrew Jeffries nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng, về cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo cần phải liên tục theo dõi và phản ứng để có các chính sách phù hợp, kịp thời.

Cụ thể là Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan… phải theo dõi, nhận định tình hình chính xác và đưa ra các giải pháp để vừa giảm thiểu rủi ro tác động, vừa có thể tận dụng những cơ hội để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi. Có thể thấy, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Mặc dù thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhưng vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ông Phạm Chí Quang - Phó vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, về nguyên lý, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Việc Fed và các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất đã tác động trực tiếp tới Việt Nam. Trong bối cảnh này, nếu giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu, sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác.

Do đó, NHNN thấy rằng, cần phải điều chỉnh lãi suất để hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Tăng trưởng kinh tế quý III, IV khả quan

Diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ, song nền tảng kinh tế nội tại của nước ta vẫn rất tốt và Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia ổn định vĩ mô tốt nhất và tăng trưởng tốt nhất khu vực.

Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý III, quý IV năm nay vẫn khả quan, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tuy vậy, do lãi suất tăng, khả năng tiếp cận vốn của DN khó khăn nên khả năng tăng trưởng GDP năm sau sẽ chậm lại. Bởi nếu tình hình vẫn như hiện nay, sang năm 2023, mặt bằng lãi suất có thể cao hơn năm nay và cung tín dụng vẫn sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Cố gắng giữ lạm phát ở mức thấp

Chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước rất chặt chẽ. Cần tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay để lạm phát giữ được ở mức thấp. Bên cạnh đó chúng ta phải kiên định giữ được tỷ giá, nhưng kiên định không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt để phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn.

T.Hằng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Fed tăng lãi suất: Kinh tế Việt Nam có bị rung lắc?