Ngày 7/8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Thế giới lần thứ V khai mạc tại làng lụa Hội An (TP Hội An, Quảng Nam) với nhiều hoạt động giao lưu, trình diễn đậm bản sắc truyền thống. Festival sẽ diễn ra đến hết ngày 9/8.
Nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống trình diễn tại Festival Ảnh: Khánh Chi.
Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ V (Festival) với sự tham gia của 8 quốc gia năm trong các tổ chức như Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á và Nhật Bản, Học viện Mê Kông. Đại diện 5 thành phố cùng hàng chục đơn vị sản xuất và làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk; các làng nghề Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận; thổ cẩm Hà Giang, Khơme, Cơ Tu…
Mục đích của festival là tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế. Để tham gia sự kiện này, có những công ty đã mạnh dạn đầu tư không nhỏ. Ví như Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam chi phí cho sự kiện hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, vải lụa tơ tằm Việt Nam tương truyền có từ thời đại Hùng vương. Các thế hệ cha ông đã truyền dạy nghề cho con cháu đời sau. Lụa tơ tằm và thổ cẩm được đông đảo người Việt Nam yêu thích sử dụng.
Chất liệu lụa cũng như hoa văn độc đáo của dệt thổ cẩm các vùng miền đã được nhiều nhà thiết kế thời trang ứng dụng vào các bộ sưu tập thời trang trình diễn trong nước và quốc tế.
Tại Festival, có sự góp mặt của gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi cao phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khmer ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơtu của vùng núi miền Trung Quảng Nam và Đà Nẵng,… sẽ trình diễn kỹ thuật dệt, nhuộm truyền thống cho công chúng thưởng lãm.
Điểm nhấn quan trọng của Festival lần thứ 5 là giới thiệu và xúc tiến đầu tư các dự án trên không gian văn hóa “Dòng sông lụa Quảng Nam” nằm trên trục nối hai di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.