Nhiều chính sách được Ngân hàng Nhà nước ban hành, giúp thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định. Tuy nhiên câu chuyện găm giữ ngoại tệ lại khiến nhiều người băn khoăn.
Ảnh minh họa.
Trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô Qúy I của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố, có một thông tin đáng lưu ý là: "Dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD trong quý III năm 2015".
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ quả của việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%, khiến các tổ chức phải gửi tiền ra nước ngoài. Trong khi đó, một số quan điểm khác khẳng định, sự biến động bất thường này cần chú ý.
Trước những quan điểm trái chiều, ông Tô Huy Vũ- Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) phân tích, 7,3 tỷ USD là số liệu được phản ánh trong hạng mục đầu tư ròng khác trên bảng cán cân thanh toán Quý III/2015 mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế.
Còn theo số liệu thống kê cán cân thanh toán trong Quý III/2015, tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại tăng thêm 5,9 tỷ USD. Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước. Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). Trong Quý III/2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước.
Về nguyên nhân của những diễn biến tăng tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài này, ông Tô Huy Vũ cho rằng, chủ yếu do xu hướng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư tăng lên trước sự kiện đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá mạnh trong tháng 8-2015 và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất đã gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD.
Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng. Một số ý kiến cho rằng đây là do tác động của chính sách lãi suất tiền gửi 0% thì không phải vì diễn biến này là của Quý III/2015 trong khi lãi suất tiền gửi 0% bắt đầu thực hiện đối với tổ chức từ 28-9 và đối với người dân từ 18-12-2015. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có phản ứng nhanh nhạy về chính sách tỷ giá, thị trường ổn định trở lại thì sang Quý IV-2015, tâm lý thị trường được giải tỏa, lượng tiền gửi ra nước ngoài của các ngân hàng chỉ tăng thêm có 369 triệu USD.
Riêng về việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%, ông Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chínhquốc gia (NSFC) tại một cuộc hội thảo vào trung tuần tháng 3 cũng cung cấp một số liệu năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó VND tăng 16,3% (năm 2014 là 19,3%); ngoại tệ tăng 14,3% (trong khi năm 2014 chỉ tăng 4,7%). Đáng nói, tăng trưởng huy động ngoại tệ lại tăng đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9-12/2015), tức trùng với thời điểm NHNN hạ lãi suất huy động ngoại tệ về 0%.
Tuy nhiên, với bất luận nguyên nhân gì thì việc găm giữ ngoại tệ gia tăng như hiện nay cũng khiến dòng chảy tiền tệ nghẽn mạch. Để ngoại tệ (cũng như đồng tiền Việt Nam) đưa vào phát triển sản xuất, kinh doanh, đó mới là mục tiêu phải sớm được đặt ra.