Gần 100 tỷ đồng cải tạo 127 vòm cầu trăm tuổi

Lục Bình 15/09/2017 07:30

Hà Nội dự tính dùng khoảng 100 tỷ đồng để đục và cải tạo 127 vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng, Gầm Cầu và ga Long Biên. Nhiều ý kiến đồng tình cần tái thiết lại không gian đô thị, tăng sức sống cho khu vực này để nó mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, đơn vị nào sẽ đảm nhận việc cải tạo này phải đấu thầu một cách công khai minh bạch.

Dự kiến, đầu năm 2018, dự án đục thông và cải tạo 127 vòm cầu thành không gian văn hoá bắt đầu được triển khai (Ảnh: Hoàng Thu Phố).

Sẽ triển khai từ đầu năm 2018

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm- đơn vị được giao trực tiếp triển khai dự án cho biết, sau khi được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan chức năng chấp thuận, chuyên gia tư vấn Pháp sẽ phối hợp cùng đơn vị chuyên môn trong nước nghiên cứu kết cấu và các phương án cải tạo các vòm cầu này.

Tiếp đến, quận sẽ đề xuất TP cho đục thông 1 vòm cầu để thử nghiệm, mời tư vấn Pháp đánh giá kiểm định, nếu đáp ứng tiêu chí an toàn sẽ triển khai tiếp.

Tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT mới đây, các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT đã bày tỏ nhất trí việc Hà Nội dự kiến đục thông 127 ô vòm cầu đường sắt trên phố Gầm Cầu, Phùng Hưng để cải tạo thành các không gian văn hóa. 127 vòm cầu này được xây dựng cách đây trên 100 năm.

Trước đây các vòm cầu rỗng, nhưng sau đó do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại khu vực, nên Hà Nội đã cho xây bịt kín.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi có kế hoạch, TP đã giao cho quận Hoàn Kiếm mời nhà tư vấn của Pháp đánh giá lại kết cấu của các vòm cầu đường sắt.

Nhà tư vấn đến từ Pháp đã tìm lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến các vòm cầu này được lưu trữ tại Pháp. “Bước đầu họ đánh giá việc cải tạo các vòm cầu hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết cấu đường sắt” - ông Chung nói.

Ông cho hay, nếu đủ tiêu chuẩn, TP sẽ làm trước đoạn từ Hàng Giấy đến phố Gầm Cầu. Các vòm cầu còn lại từ Hàng Giấy xuống Phùng Hưng do ảnh hưởng đến tuyến đường sắt đô thị số 1 nên sẽ thực hiện sau.

Lãnh đạo TP cho hay, theo dự toán nếu cải tạo 127 vòm cầu này sẽ tạo ra diện tích là 3.600m2. Sau khi đục thông, các vòm cầu sẽ được quy hoạch thành điểm bán hàng, phố đi bộ, không gian văn hóa phục vụ du khách. Toàn bộ kinh phí cải tạo 127 vòm cầu này hết chưa đến 100 tỷ đồng và do đơn vị tư nhân đầu tư, quản lý và thu hồi vốn.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, 100 tỷ đồng chi phí cho việc đục và cải tạo mới là con số khái toán. Sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận, những đơn vị triển khai dự án bắt đầu làm việc với đối tác tư vấn để giảm thiểu kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, mỹ quan, biến 127 vòm cầu thành không gian văn hoá phục vụ nhu cầu của du khách. Dự kiến, đầu năm 2018, dự án đục thông và cải tạo 127 vòm cầu thành không gian văn hoá bắt đầu được triển khai.

Công khai, minh bạch

Đồng tình cần cải tạo, sửa chữa “nâng cấp” cho các vòm cầu đường sắt này, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền TP cần khảo sát, cân nhắc đục bao nhiêu vòm? Đục cái nào, giữ lại cái nào, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đặc biệt sau khi đục, quản lý thế nào? Cái vòm này sẽ tương tác với đường phố ra sao. Không chỉ riêng các vòm cầu này, đối với các tài sản chung, không gian công cộng đặc biệt trong khu vực đô thị cần làm cho nó tăng sức sống lên và không để lãng phí của công. Tuy nhiên, nếu xã hội hóa phải quản lý sao cho tốt. Phải công khai minh bạch, đừng tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích.

Bình luận về con số gần 100 tỷ đồng để sửa chữa các vòm cầu, TS Lưu Bích Hồ- chuyên gia kinh tế, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là khoản kinh phí không nhỏ.

Dù chính quyền TP đã khẳng định không dùng tiền ngân sách mà do đơn vị đầu tư quản lý và thu hồi vốn dẫu vậy cũng cần công khai minh bạch.

Đây là khu đất vàng, chắc chắn nhiều nhà đầu tư quan tâm, sẵn sàng đầu tư. Do đó, cần tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư sao cho kinh phí cải tạo, đập thông là thấp nhất mà hiệu quả nhất, thời gian thu hồi vốn ngắn nhất.

Các ô vòm cầu dẫn đường sắt được xây bằng đá xanh Thanh Hoá bắt đầu từ phố Phùng Hưng, kéo dài qua phố Gầm Cầu, ga Long Biên có chiều dài 1,2km.

Cầu dẫn có tổng cộng 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao từ 3,5 - 4,5m được xây dựng trong hai năm (1900 -1902). 131 vòm cầu này cũng là trụ đỡ, kết cấu của đường sắt của tuyến tàu di chuyển từ ga Hà Nội - ga Long Biên, đi các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc, thuộc tuyến đường sắt quốc gia.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, những năm 1980, các cơ quan chức năng Hà Nội đã cho xây bịt lại 127 vòm cầu, chỉ giữ lại 4 vòm cầu để người và phương tiện lưu thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 100 tỷ đồng cải tạo 127 vòm cầu trăm tuổi