Theo Tổng cục Thống kê, 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại buổi họp báo về Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra tại Hà Nội sáng 10/7/2020, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê thông tin, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Dịch covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực chậm lại, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2020 tăng 0.36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020, trong đó, một số ngành ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,6%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,1%; vận chuyển hành khách giảm 44,4%...
Lực lượng lao động giảm hơn 2 triệu người so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm qua (4,46%).
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số cho biết, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897,5 ngàn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch covid-19. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ.
Cụ thể, lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm ở khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ giảm 4,4% so với quý trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ tái phát cao. Nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa bị đứt gẫy, nhiều DN không có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa mới trong quý IV. Thực trạng này sẽ còn tác động mạnh đến lực lượng lao động trong thời gian tới.