Gần 40 tỉnh thành đã quyết định lịch tựu trường

Minh Quang 15/08/2021 09:57

Cho đến thời điểm này, gần 40 tỉnh, thành trên cả nước đã công bố lịch tựu trường năm học 2021-2022 với học sinh các cấp. Trong đó, Sơn La là tỉnh cho học sinh tựu trường sớm nhất (từ 16/8); học sinh Quảng Bình tựu trường vào ngày 23/8; Long An là địa phương có kế hoạch bắt đầu năm học mới muộn nhất (đến 18/9 khai giảng).

Bên cạnh việc công bố lịch tựu trường, các tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch chương trình khai giảng năm học mới, thích ứng với phòng chống Covid-19.

Lên kế hoạch cụ thể và dự phòng

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 vừa được UBND tỉnh Sơn La đã ban hành, học sinh hệ GDPT và GDTX của tỉnh sẽ tựu trường vào ngày 16/8/2021; riêng bậc giáo dục mầm non thì tựu trường vào ngày 1/9/2021. Các trường hợp đặc biệt không thể thực hiện tựu trường đúng ngày quy định, Sở GDĐT tạo sẽ kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Hội ngộ trong Lễ khai giảng năm học 2020- 2021. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

Tại Long An, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên UBND tỉnh quyết định khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của các cấp học trên địa bàn tỉnh chậm hơn so với quyết định của Bộ GDĐT. Theo đó, các cấp học tựu trường vào ngày 17/9 và khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 18/9.

Còn tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT cho hay đã có tờ trình UBND thành phố về kế hoạch năm học 2021 - 2022, trong đó dự kiến sẽ khai giảng năm học mới vào giữa tháng 9 theo hình thức trực tuyến, chậm hơn 2 tuần so với thời điểm tựu trường sớm nhất quy định trong khung thời gian năm học của Bộ GDĐT.

Lãnh đạo Sở GDĐT TP HCM cũng cho biết sở đang xây dựng nhiều phương án khác nhau về kế hoạch năm học mới cho từng bậc học, khối lớp - tùy theo tình hình dịch, trong đó sẽ có phương án học sinh bước vào năm học với việc dạy học trực tuyến.

Nếu áp dụng "kịch bản" này, Sở GDĐT TP HCM sẽ cân nhắc điều chỉnh phương án dạy trực tuyến đối với học sinh tiểu học theo hướng thiết kế các chủ đề phù hợp hơn, giảm bớt khó khăn cho các nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Hiện một khó khăn nữa tại TP HCM là hầu hết trường học đều đang được trưng dụng làm nơi cách ly, điều trị Covid-19. Sở GDĐT TP HCM đang phải rà soát, thống kê tình hình sử dụng, thời gian trao trả các điểm trường và tiến hành khử khuẩn, vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học mới.

Ở Thanh Hóa, theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ ngày 1/9, các cấp học từ mầm non đến THPT sẽ tựu trường. Riêng học sinh lớp 1 đến trường từ ngày 23/8 để có thời gian làm quen với nội quy trường lớp, nền nếp, môi trường, đồ dùng học tập, chỉ dẫn, ký hiệu học tập. Trong khoảng thời gian này, giáo viên sẽ tổ chức một số hoạt động trò chơi cho trẻ rèn kỹ năng, tự tin trước khi vào học chính thức. Ngày 5/9/2021, các trường học trong toàn tỉnh sẽ đồng loạt khai giảng.

Ngày 6/9 là ngày bắt đầu học kỳ I năm học 2021-2022 của giáo dục mầm non, GDPT- GDTX. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở GDĐT Thanh Hóa yêu cầu các nhà trường trong tỉnh tổ chức lễ Khai giảng năm học 2021-2022 ở trong lớp học.

Chủ động thích ứng

Như vậy, năm học 2021-2022, các trường học trên toàn quốc khó có thể cùng lúc tổ chức lễ khai giảng năm học mới trực tiếp vào ngày 5/9. Các địa phương đang ráo riết xây dựng kịch bản cho lễ khai giảng trực tiếp và trực tuyến ngắn gọn.

Tại Hà Nội, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến chương trình năm học, từ tháng 8/2021, nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội đã khởi động những buổi đầu tiên của năm học 2021-2022 bằng hình thức online.

Những học sinh lớp 1 lần đầu tiên dự Lễ khai giảng năm học 2020- 2021. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

Đơn cử như Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Trung Yên), thời điểm bắt đầu năm học mới là ngày 2/8. Lịch học đã được thông báo đến học sinh, phụ huynh để cùng thông rõ và chuẩn bị. SGK được phát cho học sinh trong điều kiện an toàn phòng chống dịch trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Trước khi bước vào năm học mới, các thầy cô đã được tập huấn đầy đủ, gặp gỡ, trao đổi với học sinh, phụ huynh về lộ trình năm học mới.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông báo bắt đầu năm học mới từ ngày 2/8 và dù học bằng hình thức nào thì nhà trường sẽ cung cấp đầy đủ nội dung kiến thức theo chương trình của Bộ GDĐT và chương trình của nhà trường.

Cùng với đó, Trường Tiểu học, THCS &THPT Everest thông báo thời gian bắt đầu năm học online từ 16/8. Theo chia sẻ của đại diện nhà trường: Trong thời gian dịch bệnh đang cao điểm, nhà trường đã và đang cố gắng chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đảm bảo kiến thức cho học sinh…Riêng với học sinh đầu cấp (khối 1, 6 và 10), trường tổ chức các hoạt động hướng dẫn và chào đón (không thu phí) trong tuần 2 tháng 8.

Ngoài ra, các trường THCS Archimedes, Hệ thống giáo dục Alpha, trường Tiểu học Lê Quý Đôn (KĐT Mỹ Đình) … đều đã bắt đầu năm học mới từ đầu tháng 8.

Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nên chưa có kế hoạch cụ thể cho lễ khai giảng, dạy học năm mới. UBND thành phố sẽ căn cứ tình hình thực tế của dịch Covid-19 để phê duyệt phương án phù hợp nhất.Tuy nhiên, để chủ động, các trường học hiện đã chuẩn bị 2 phương án cho lễ khai giảng trực tiếp và trực tuyến.

Chuẩn bị đón năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GDÐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh, ngành giáo dục đang đứng trước 2 thách thức lớn: thách thức trước yêu cầu phát triển, đổi mới và thách thức trong bối cảnh dịch bệnh. Các trường học cần chuyển đổi để thích ứng, tăng sức chống chịu, hạn chế tổn thương do dịch Covid-19 gây ra.

Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Bộ đã ban hành khung chung, cứng để có chỗ dựa, nhưng các địa phương phải linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị mình. Trực tuyến vẫn có sức mạnh, phát huy được tác dụng nếu chuẩn bị tốt, sẵn sàng. Nhưng trực tiếp vẫn là quan trọng nhất nên phải tận dụng thời gian vàng để dạy trực tiếp. Chúng ta cần linh hoạt trong quá trình thực hiện trong nội dung - đây là sự chuyển hướng rất quan trọng.

Tính học phí trực tuyến hợp lý

Trước thềm năm học mới 2021-2022, Bộ GDĐT đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở GDĐT về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ GDĐT đề nghị giữ ổn định mức học phí trong năm học mới.

Bộ GDĐT đề nghị ngành giáo dục chia sẻ khó khăn với người học trong dịch bệnh. (Ảnh: Phạm Quang Vinh).

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ GDĐT để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.

Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của nhà nước, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.

Tại Hà Nội, trong thời gian dạy- học trực tuyến vừa qua, cũng như bước vào năm học mới tới đây, đa phần các trường cho biết mức học phí đã giảm xuống. Cụ thể, với các trường ngoài công lập, trên tinh thần chia sẻ khó khăn và lắng nghe phản hồi từ nhiều phía, mức học phí đã được tính toán, điều chỉnh rất kỹ càng và thông báo đến phụ huynh. Hầu hết, trong thời gian học trực tuyến, học phí các trường đều giảm từ 15-25%; cá biệt có trường giảm 30%, 50% so với mức học phí trực tiếp (áp dụng trong tháng 8/2021).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 40 tỉnh thành đã quyết định lịch tựu trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO