Để phục vụ cho 300 hộ với gần 800 nhân khẩu sinh sống tại thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), UBND huyện Thiệu Hóa đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để làm cầu phao bắc qua sông Cầu Chày. Tuy nhiên, cây cầu phao này chỉ có thể sử dụng vào mùa nước cạn, còn vào mùa mưa lũ, cầu gần như bị rơi vào tình trạng tê liệt…
Chuyện tưởng như đùa này lại đang là thực tế xảy ra tại xã Thiệu Long. Gặp chúng tôi khi đang vất vả dắt chiếc xe đạp cà tàng qua cây cầu phao đang nằm nghiêng nghiêng, bập bềnh theo từng con sóng, phía dưới là dòng nước đục ngầu, chảy xiết, bà Lê Thị Thu, trú tại thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long không giấu được sự bức xúc: Đã nhiều năm trở lại đây, tôi và dân làng phải chịu cảnh vất vả qua sông như thế này. Việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn với bên ngoài cũng vì cây cầu mà gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Thu cầu được thiết kế, xây dựng chỉ có thể đi vào mùa nước cạn, còn mùa lũ thì những người già, phụ nữ và trẻ em trong thôn không dám qua sông.
“Giờ đang là thời điểm nước cạn nên cầu phao nằm lọt thỏm vừa vặn với dòng sông, chúng tôi mới có thể đi lại bình thường. Chứ vào mùa mưa lũ, thường chỉ cần sau một vài ngày mưa lớn, mực nước trên sông dâng lên đồng thời cầu phao cũng nổi lên, làm hụt mỗi phía đầu cầu đến cả mét, không thể nào qua lại được. Để tránh bị cô lập, người dân đã phải đóng tạm hai chiếc mảng bằng tre, nứa để nối hai bờ mỗi khi lũ về. Nhưng ngay cả khi có bè nối thì cũng chỉ có đám trai tráng, sức vóc mới dám đi qua. Chả hiểu họ khảo sát thiết kế như thế nào?!”, bà Thu nói.
Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày, nối thôn Tiên Nông với trung tâm xã thực chất chỉ là một chiếc xà lan lớn được đặt nằm lọt thỏm, bập bềnh giữa lòng sông. Để neo giữ, 4 sợi dây cáp mong manh được buộc nối với 2 đầu xà lan với trụ bê tông trên bờ. Ngay sát phía trên là hai nhánh đường bê tông được đổ kiên cố chạy ra sát mép sông tạo thành hai chiếc cầu tàu dã chiến, phòng khi nước lũ dâng, cầu phao được kéo dịch lên cho vừa với lòng sông. Trên cầu, xã lập một trạm gác, cắt cử lực lượng dân quân túc trực ngày đêm, phòng sự cố cầu bứt cáp, trôi cầu… Tất cả như một sự sắp đặt lộn xộn, rối rắm trông đến tức mắt.
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền chúng tôi được biết: Tình trạng người dân thôn Tiên Nông phải khốn khổ vì cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày đã diễn ra trong nhiều năm nay. Trước đó, vào khoảng tháng 10/2017, sau trận lụt lớn cây cầu tạm bằng tre, luồng được người dân bắc qua sông để đi lại bị nước lũ cuốn trôi, cả thôn rơi vào tình cảnh bị cô lập. Người dân đã kéo lên xã để kiến nghị, xin được làm cầu mới. Để giải quyết, UBND huyện Thiệu Hóa đã phê duyệt dự án làm cầu phao qua sông cho người dân với tổng kinh phí lên đến 3,9 tỉ đồng. Phương pháp thi công là kéo chiếc xà lan đang làm cầu phao tại cầu Cổ Tế (huyện Thạch Thành) về lắp ráp. Tuy nhiên, niềm vui có cầu mới của bà con Tiên Nông ngắn chẳng tày gang…
Sau khi chiếc xà lan dài chừng hơn 20 m được đưa về và đặt vừa vặn với lòng sông mùa nước cạn đã vô tình gây cản trở dòng chảy của sông, bèo, rác cứ trôi về đến đây là bị dồn ứ lại thành núi, kéo dài hàng chục mét. Đặc biệt, khi mùa lũ đến, vấn đề nghiêm trọng mới bắt đầu nảy sinh. Nước lũ chưa dâng lên đến mức báo động số một thì cầu phao đã bị đẩy lên cao, mỗi đầu hụt một khoảng cách với bờ đến gần 2m, cầu bị vô hiệu hóa, người dân lại rơi vào cảnh cô lập. Để khắc phục những bất cập trên, UBND xã Thiệu Long đã phải “chủ động” trích từ nguồn ngân sách xã ra 350 triệu đồng, làm đường dẫn vào hai chiếc cầu tàu tạm, phòng khi nước lũ dâng có thể kéo nối đoạn thiếu hụt của cầu phao.
Trong vấn đề này, rõ ràng, phía chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa đã rất cẩu thả và làm một cách qua loa, chiếu lệ theo kiểu “làm cho xong tay” khi tiến hành khảo sát, thi công cây cầu.
Ông Lê Văn Ngữ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tiên Nông cho biết: “Khó khăn cho việc phát triển kinh tế của người dân địa phương đã đành, vất vả nhất vẫn là hơn 100 cháu học sinh của 4 cấp học sinh sống tại làng. Vì là cây cầu nằm trên đường độc đạo, mỗi khi mưa lũ về, cầu không đi lại được, phụ huynh lại phải đưa các cháu đi qua các xã Định Hòa, Định Bình rồi vòng lại. Bình thường, quãng đường đến trường chỉ dài chưa đầy 1km, mùa lũ các cháu phải đi xa hơn 10 km mới đến được trường”.