Năm nay, với việc tăng giảm chỉ tiêu đào tạo ở một số ngành của các trường ĐH cho thấy việc gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường đã được quan tâm nhiều hơn.
Thực tập của sinh viên ngành Y.
Thêm chỉ tiêu, thêm ngành mới
PGS.TS Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa cho biết, năm nay Trường dự kiến tuyển 6.200 chỉ tiêu, tăng 200 so với năm 2016.
Trong đó, có 160 chỉ tiêu là cho 4 chương trình đào tạo quốc tế do nước ngoài cấp bằng. Ngoài ra, tùy theo từng ngành, trường điều chỉnh tăng, giảm dựa vào dự báo thị trường nhân lực trong vài năm tới.
“Năm nay, chỉ tiêu tăng hơn ở những ngành không hot, khó tuyển nhưng lại có lợi cho kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, ngành Nhiệt - Lạnh tuyển số lượng 200 chỉ tiêu, thay vì năm 2016 tuyển 150.
Ngành Kỹ thuật Vật liệu là 200, trong khi năm trước là 160. Đây là những ngành sinh viên ngay từ khi học trong trường đã có các công ty đến tuyển dụng”- ông Điền cho biết.
Thông tin từ Học viện Ngân hàng, trong chỉ tiêu đào tạo của Học viện năm học 2017-2018 cũng tăng thêm 100 chỉ tiêu. PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo- Phó Giám đốc Học viện cho biết, năm nay Học viện mở thêm ngành Luật Kinh tế. Qua khảo sát, những năm trước, rất đông thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tài chính đang rất cần đội ngũ nhân sự am hiểu về luật pháp các nước để tư vấn đàm phán thương mại, thiết lập hợp đồng… với đối tác quốc tế. Học viện Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lên ở những ngành xã hội đang cần nhiều nhu cầu nhân lực.
Tương tự, Trường ĐH Hà Nội dự kiến tăng thêm 370 chỉ tiêu ở nhiều ngành học so với năm 2016. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường là 2.400 chỉ tiêu ở các ngành học hệ đại học chính quy, trong đó, nhóm các ngành ngôn ngữ là 1.400 chỉ tiêu.
Giảm chỉ tiêu, tăng chất lượng đào tạo
Chia sẻ thêm, PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo cho biết Học viện Ngân hàng năm nay cũng giảm mạnh 200 chỉ tiêu ngành Tài chính -Ngân hàng vốn là thế mạnh đào tạo của nhà trường.
Lý giải điều này, PGS Hảo cho biết hiện có những ngành nhân lực đang dư thừa thì cần đến nguồn nhân lực ít hơn nhưng chất lượng cao mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, nếu không bài toán thất nghiệp sẽ có nguy cơ cao. Để hiện thực hóa điều đó, 3 năm nay Học viện mở thêm những chương trình đào tạo chất lượng cao.
Trong khi đó, năm nay ĐH Y Hà Nội có chỉ tiêu đào tạo tại Hà Nội là 1.000 và phân viện tại Thanh Hóa là 100, trong đó tổng số thí sinh tuyển thẳng không quá 10% mỗi ngành.
So với năm 2016, Trường giảm 100 chỉ tiêu đào tạo tại Hà Nội là ở ngành Bác sỹ đa khoa. Năm 2016, trong đợt xét tuyển lần 1, trường không đủ thí sinh đăng ký xét tuyển dù đã hạ điểm chuẩn 0,5 điểm so với năm học trước đó. Thậm chí, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển cũng không nộp hồ sơ nhập học.
Sau đó, trường có hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung tại phân hiệu Thanh Hóa tuy nhiên với ngành Y đa khoa tại Hà Nội, nhà trường không hạ điểm chuẩn dù còn thiếu đến 50 chỉ tiêu.
Trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh đối với hệ đào tạo dành riêng cho sức khỏe, các trường cần tập trung nâng cao đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng dạy theo chuyên ngành, chủ động giảm chỉ tiêu đối với những ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ nguồn nhân lực như hiện nay.
Lưu ý thêm, đại diện Trường ĐH Y Hà Nội cho biết về các điều kiện khác không có nhiều thay đổi so với các năm trước như xét tuyển 1 tổ hợp thi duy nhất, vẫn giữ điểm trúng tuyển theo ngành.
Tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên dùng để xét tuyển nếu thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau: Ưu tiên 1 điểm bài thi Toán; ưu tiên 2 điểm môn thi Sinh học.
Tuy nhiên, từ năm 2018, Trường đại học Y Hà Nội sẽ lấy kết quả thi THPT quốc gia môn ngoại ngữ làm tiêu chí phụ xét tuyển vào trường.
Đối với trường ĐH Y Dược Cần Thơ, trường dự kiến tuyển 1.300 chỉ tiêu cho 8 ngành học năm 2017 với thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia của 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số). Tiêu chí phụ năm nay được nhà trường thay đổi là nếu nhiều thí sinh đồng điểm xét tuyển, sẽ ưu tiên chọn môn toán, khác với năm 2016 là môn Hóa.
Trường ĐH Y dược Thái Bình dành 120-150 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng, trong đó sẽ có 60 chỉ tiêu dành cho học sinh có nguyện vọng học tiếng Nhật và làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.