Ông Nguyễn Văn Đông (37 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Thanh Long, tại TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, hàng ngày ông thường xuyên phải di chuyển qua trục đường Nguyễn Duy Trinh. Tuyến đường này vốn đã đông đúc phương tiện, gần đây còn xuất hiện một lô cốt, rào chắn được dựng lên chiếm quá nửa bề ngang mặt đường đoạn đi qua phường Bình Trưng Tây, khiến đoạn đường này thường xuyên di chuyển chậm và kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm.
“Buổi sáng, để tránh các giờ cao điểm, tôi thường hay phải lách vào đường Thân Văn Nhiếp để di chuyển về nhà. Tương tự, vào thời gian buổi chiều tôi cũng phải băng qua lối đi tắt đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức) để về nhà, chứ không dám đi qua nút giao thông An Phú vì kẹt xe” - chị Nguyễn Thị Huyền (cư dân chung cư Thủ Thiêm Xanh, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Điều đáng nói là không chỉ riêng công trình lô cốt, rào chắn “mọc lên” vào thời điểm cuối năm trên địa bàn TP Thủ Đức, mà ở nhiều địa bàn quận, huyện TPHCM cũng có tình trạng tương tự. Điển hình như công trình thi công hầm chui Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Tại dự án này, sau gần 3 năm thi công mới hoàn thành khoảng 40%, trong khi bên trong ngổn ngang máy móc, vật liệu nhưng cũng rất thưa thớt công nhân làm việc trên công trường. Còn công trình rào chắn đoạn đường Đồng Văn Cống từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy dù chỉ chưa tới 3km, được khởi công từ tháng 2/2020 nhằm mở rộng thêm 2 làn ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực. Thế nhưng, cũng như nút giao thông hầm chui tại quận 7 thì dự án này vẫn “án binh bất động” khiến dòng xe tải, xe container rầm rập di chuyển ra vào cảng khiến nỗi bất an của người dân tiếp tục kéo dài...
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố có tổng số 68 vị trí rào chắn (giảm 5 vị trí so với tháng 9/2023) thực hiện trên 30 tuyến đường. Thành phố cũng đã đề ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các khu vực có công trình rào chắn, lô cốt. Đồng thời cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp, huy động lực lượng tham gia điều tiết giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Song song đó, phát huy hiệu quả các nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố…
“Kết quả qua theo dõi 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 10 năm nay thì ghi nhận có 3 điểm chuyển biến tốt, 13 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến” - đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết thêm.