Hà Nội là địa phương sở hữu di tích lịch sử văn hóa hàng đầu cả nước. Trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng. Đây là lợi thế rất lớn trong việc kết hợp phát triển du lịch.
Dư địa lớn
Hà Nội hiện có trên 6.000 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng như: Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Gióng và trên 1.200 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia... Đây là nền tảng để Hà Nội phát triển là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử hàng đầu cả nước và khu vực.
Hiện nay, Hà Nội đã và đang phát triển các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử thu hút du khách như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; thực hiện kết nối chuỗi các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Cùng với đó, Hà Nội đang gắn các loại hình du lịch nghệ thuật với di sản.
Những năm qua, Hà Nội luôn được du khách quốc tế bình chọn là điểm đến bậc nhất trong tất cả các điểm đến du lịch của Việt Nam và có thể xứng tầm cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Năm 2024, Hà Nội được tạp chí TripAdvisor bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới và là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới.
Ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Tổng công ty Du lịch Hà Nội nhìn nhận, để phát phát triển mạnh hơn, tương xứng với những lợi thế về tài nguyên, vị trí, chính sách và sự quan tâm thì còn rất nhiều việc để làm và thúc đẩy. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tour du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, độc đáo mang tính riêng biệt gắn với nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào có vai trò hết sức quan trọng.
Đồng quan điểm, ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho rằng, sự giàu có về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương. Theo định hướng phát triển du lịch văn hóa trong chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, có thể thấy những cơ hội mở ra đối với Hà Nội trong phát triển du lịch văn hóa là trọng tâm.
Lấy văn hóa làm trung tâm
Phát triển du lịch văn hóa cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá, trải nghiệm để thu hút du khách. Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với công ty thực hiện số hóa 82 bia tiến sĩ và các công trình tiêu biểu, cũng như số hóa các triển lãm chuyên đề, số hóa cuộc đời các danh nhân và truyền thống đạo học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2023, đơn vị triển khai hệ thống trải nghiệm kính thực tế ảo, đang tiến hành triển khai tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học...
Ông Lê Hồng Thái chia sẻ, các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử hiện nay đang góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội. Để hấp dẫn và thu hút du khách hơn nữa, Hà Nội còn cần thêm nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng và mới mẻ. Thời gian tới, Công ty Lữ hành Hanoitourist sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng tour du lịch sông Hồng về đêm, sản phẩm du lịch nghệ thuật truyền thống tại một số nhà hát trên địa bàn Hà Nội.
Còn theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) việc khai thác và phát triển du lịch di sản ở Hà Nội để đạt hiệu quả cao cần được quan tâm và đầu tư một cách toàn diện. Mặc dù thành phố sở hữu nhiều di tích lịch sử và văn hóa, tuy nhiên cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Việc quảng bá và khai thác di sản không được thực hiện đúng cách, dẫn đến nhiều khách du lịch không thấy hài lòng và chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về vẻ đẹp và giá trị của Hà Nội.
“Hà Nội cần phát triển những sản phẩm du lịch đi kèm với các dịch vụ số hóa, game hóa để tạo ra những trải nghiệm chủ động và thực tế cho du khách. Đồng thời, việc tổ chức các show diễn trích đoạn, show ánh sáng và các hoạt động chủ động như đạp xe để khám phá di sản cũng là các sản phẩm du lịch có hiệu quả và được triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Việc học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm này sẽ giúp Hà Nội phát triển du lịch di sản một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khách hàng hiện đại và tạo ra những trải nghiệm độc đáo, đem lại lợi ích kinh tế và văn hóa cho thành phố” - ông Quỳnh nhấn mạnh.