Đến nay việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa phục vụ du lịch vẫn đang dừng lại ở những cái “bắt tay” hờ hững. Theo Giáo sư Lưu Trần Tiêu, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất. Nhưng ở ta, sự “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển không phải hiếm gặp.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ngày càng được coi trọng và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên để khai thác các giá trị của di sản phục vụ du lịch vẫn đang dừng lại ở những cái “bắt tay” hờ hững.
Việc gắn kết giữa bảo tồn và phát triển du lịch còn nhiều bất cập.
Một số chương trình thu hút khách du lịch có thể kể đến như: Chương trình “Con đường di sản” thu hút du khách đến với miền Trung. “Lễ hội đèn lồng ở Hội An; “Carnaval Hạ Long” ở Quảng Ninh; “Lễ hội hoa phượng đỏ” ở Hải Phòng…
Tuy nhiên về tổng thể, hoạt động khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Du lịch Việt Nam còn thua kém khá xa các nước ngay trong khu vực trong khu vực Đông Nam Á.
Theo PGS.TS Từ Thị Loan - Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Những hạn chế thường gặp là cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, tình trạng xâm hại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái vẫn còn, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, chất lượng nguồn nhân lực du lịch yếu. Việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ, thu hút được đông đảo du khách quốc tế tới Việt Nam cũng như quay lại nhiều lần”.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch di sản chưa đáp ứng yêu cầu về mức độ trải nghiệm du lịch, thiếu tính đặc sắc, đơn điệu, có sự trùng lặp, suy thoái nhanh. Hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam đến nay chủ yếu mới chỉ phát huy những yếu tố lợi thế sẵn có, chưa có sự đầu tư chiều sâu, ít tính sáng tạo, do vậy giá trị còn thấp, thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc, sức cạnh tranh chưa cao, còn ít những thương hiệu du lịch quốc tế nổi bật.
TS Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Văn hóa Du lịch (Đại học Văn hóa) cho biết: “Để có được tiếng nói chung, bản thân ngành du lịch cần có những sự thay đổi toàn diện, ngay từ những khâu nhỏ nhất.
Ngay trong công tác quản lý nhân sự du lịch, cần chọn và bố trí các đối tượng “cứng” và “mềm; ngắn hạn và dài hạn, chuyên nghiệp và thời vụ… để họ có thể hoạt động tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ cũng như các công tác dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trước khi phân công, cần có kế hoạch kiểm tra, đánh giá phân loại đối tượng để sắp xếp đúng vị trí, tránh “ngồi nhầm chỗ”.
Hay, các dịch vụ du lịch cũng cần có những loại hình mới hấp dẫn, sáng tạo so với phương cách truyền thống. Kiểm tra quá trình bán hàng trong các sơ sở dịch vụ, không để xảy ra việc bán hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả… trong khu vực dịch vụ ở các di sản sẽ gây ảnh hưởng liên đới đến toàn bộ các hoạt động của di sản văn hóa.
“Quản lý tốt dịch vụ sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo ra xuất khẩu tại chỗ, tạo công ăn việc làm cho đông đảo các tầng lớp dân cư trong xã hội ở địa phương nơi di sản có hoạt động du lịch”.
Còn dưới góc độ quản lý văn hóa, di sản, GS TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia để giải quyết hài hòa giữ bảo tồn di tích và xây dựng các công trình phát triển du lịch cần có sự vào cuộc ngay từ đầu của 3 lực lượng nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực có liên quan và cộng đồng được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi từ chính sách hoặc dự án du lịch mang lại.
Việc chủ động phối hợp chặt chẽ giữa 3 lực lượng nêu trên sẽ đảm bảo cho việc thực hiện dự án có hiệu quả trong đời sống xã hội”. GS. Lưu Trần Tiêu cũng đề xuất giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di tích có thể xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ như một “bảo tàng ngoài trời” phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch.
Di tích được xác định có giá trị quan trọng, nhưng chưa có điều kiện bảo tồn tại chỗ thì thì đưa hiện vật khai quật được về bảo quản và trưng bày trong bảo tàng…
Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc bảo tồn các “di sản sống” sẽ không có mấy kết quả nếu không coi cư dân hiện sinh sống trong đó cũng là “đối tượng bảo tồn” và thiếu sự vào cuộc đồng bộ.
“Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, đều hướng tới mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững. Ở nước ta, sự “xung đột” giửa bảo tồn và phát triển không phải hiếm gặp ở nơi này, nơi kia” GS. Tiêu cho hay.
Có thể thấy, trong “hành trình” tìm ra tiếng nói chung giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa hiện nay cần có sự thay đổi đồng bộ từ nhiều cấp. Ở đó, là việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển bền vững du lịch văn hóa.
Huy động nguồn lực xã hội cho việc khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa và khai thác du lịch.
Đặc biệt, nâng cao nhận thức về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. Trong đó, việc cần làm ngay và luôn chính là việc nâng cao nhận thức của các chủ thể di sản văn hóa về việc phát triển du lịch thân thiện với môi trường, không làm ô nhiễm xâm hại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái…